Trên cơ sở Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, Tổng cục Thuế sẽ triển khai nhiều biện pháp để thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook. Đây là khẳng định của ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính tại cuộc họp báo ngày 1-12.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, cơ quan thuế sẽ việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp nền tảng công nghệ như Netflix, Amazon, Google, Youtube…; tiến tới trao đổi, hướng dẫn về các nghĩa vụ thuế theo quy định mới, để họ thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính đến nay, tổng số thuê bao trả phí cho Netflix ở Việt Nam là trên 300.000. Mỗi năm, kênh này thu về hàng trăm tỉ đồng nhưng chưa đóng thuế và chưa đặt chi nhánh tại Việt Nam.
Đối với một số kênh Youtube có lượng người đăng ký lớn, thu nhập "khủng", trong đó có Bà Tân Vlog, ông Đặng Ngọc Minh cho biết chủ kênh này đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Kênh YouTube Bà Tân Vlog với hơn 4 triệu người theo dõi. Ảnh chụp màn hình
Cũng theo ông Minh, nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, ngành thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội như YouTube. Các cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khi trốn nộp số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.
Gia đình Bà Tân Vlog (ở Bắc Giang) được biết đến với hàng loạt kênh YouTube có lượng người đăng ký lớn, mang lại thu nhập "khủng". Hưng Vlog được biết đến là con trai bà Tân và cũng là người đứng sau hỗ trợ để tạo ra những thành công của kênh Bà Tân Vlog. Cá nhân Hưng còn sở hữu 3 kênh YouTube: Hưng Vlog, Hưng Troll, Hưng Gamer, đồng thời hỗ trợ cả em gái và em trai lập nên kênh YouTube riêng.
Riêng kênh Bà Tân Vlog hiện có 4,03 triệu người đăng ký. Mỗi clip về ăn uống, ẩm thực được đăng tải trên kênh này đều thu hút hàng trăm ngàn lượt xem.
Số liệu thống kê của Social Blade cho thấy thu nhập từ kênh YouTube Bà Tân Vlog trong khoảng 30 ngày qua là 3.800 - 61.400 USD (tương đương khoảng 88 triệu-1,4 tỉ đồng). Tuy nhiên, số tiền mà YouTube trả cho chủ kênh còn tùy theo khu vực, thị trường.