Bên cạnh những chi phí phát sinh do nhu cầu từng cá nhân cũng như đặc thù từng công việc, nhìn chung ai cũng có những vấn đề tài chính gặp phải.
Trong đó, những vấn đề tài chính thường xuất hiện nhiều nhất với nhóm Millennials, những người sinh từ năm 1981 đến 1996. Độ tuổi bắt đầu hiểu biết về công nghệ, tiếp cận tài chính dễ dàng và phải mang một số gánh nặng tài chính cụ thể.
Vay nợ thời sinh viên
Học phí là một trong những khoản tiền bắt buộc với hầu hết học sinh, sinh viên hiện nay.
Theo một báo cáo của Business Insider, học phí đại học của các nước trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi so với những năm trước 2000. Điều này khiến các khoản nợ vay sinh viên đang ở mức cao nhất trong lịch sử với số dư nợ trung bình của sinh viên trên thế giới đang là 17.000 USD .
Thực tế, tại Việt Nam học phí các trường đại học cũng đã tăng chóng mặt trong vài năm gần đây. Chỉ chưa tới 5 năm qua, nhiều trường đã tăng học phí gấp đôi khiến tiền học trở thành gánh nặng với không ít học sinh, sinh viên.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tính đến ngày 31/7, dư nợ cho vay chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên đạt khoảng 13.575 tỷ đồng với trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên vay vốn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là số liệu thống kê tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với đối tượng vay là các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chưa bao gồm nhóm đội tượng có nhu cầu vay tại các tổ chức tín dụng khác.
Tiết kiệm nhiều hơn để mua nhà
Giá nhà đất liên tục tăng cao khiến mọi người phải chi trả nhiều tiền hơn cho chi phí này. Theo báo cáo nghiên cứu toàn cảnh thị trường bất động sản TP HCM của Công ty DKRA Việt Nam, ước tính, nếu mua căn nhà đầu tiên vào năm nay bạn đã phải trả nhiều hơn 45-67% số tiền so với những người mua nhà cách đây 5 năm (tùy từng phân khúc). |
Thậm chí, nếu mua đất nền xây nhà, số tiền bạn phải chi trả cũng cao gấp đôi so với 5 năm trước tại những khu vực như quận 9, quận 7 hay Thủ Đức... tại TP HCM.
Đây chính là lý do khiến việc sở hữu một căn nhà hiện nay trở lên vô cùng khó khăn với rất nhiều người trẻ.
Đối với lao động tại các khu vực thành phố lớn, có thể mất gần một thập niên để tiết kiệm số tiền tương đương 50% giá trị một căn chung cư.
Thử ước tính, nếu mỗi tháng thu nhập của bạn vào khoảng 10 triệu đồng. Một căn chung cư ngoại thành tại Hà Nội, TP.HCM hiện cũng vào khoảng 1,2 tỷ đồng . Như vậy, bạn sẽ mất tới 10 năm không ăn uống, mua sắm, sinh hoạt mới đủ số tiền để sở hữu một căn nhà hiện tại. Chưa kể giá nhà đất sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai cùng với tình trạng lạm phát hàng năm.
Tiền thuê nhà tăng
Nhiều người không có đủ tiền mua nhà lại đang phải đối mặt với khó khăn lớn hơn là tiền thuê tăng.
Trong cơ cấu chi tiêu của một người bình thường, nhà ở là khoản tiêu tốn nhiều chi phí nhất, trung bình khoảng 37% tổng chi phí hàng tháng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, mỗi người có mức lương, tiết kiệm, giá trị khác nhau nhưng hầu hết mô hình chi tiêu của mọi người đều giống nhau.
Một nghiên cứu của Student Loan Hero tại Mỹ cho biết giá thuê nhà đã tăng 46% từ những năm 1960 đến 2000 sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Vào năm 1960, tổng tiền thuê trung bình là 588 USD , đến năm 2000, con số đó đã tăng lên 866 USD đã bao gồm lạm phát.
Con số này tại thị trường Việt còn tăng nhanh hơn, chỉ tính riêng việc lạm phát và trượt giá hàng năm, giá thuê nhà cũng có thể đã tăng khoảng 3-5%.
Khảo sát tại các quận vùng ven thủ đô như Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai… giá thuê nhà đã tăng 25-30% so với 5 năm trước đây.
Nếu bạn tìm thuê một căn chung cư hạng C tại khu vực Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) hiện nay, số tiền hàng tháng bạn phải thanh toán sẽ cao hơn khoảng 30% so với cùng căn nhà đó 5 năm trước.
Chi phí đi lại liên tục tăng
Nhiều người không có đủ tiền mua nhà lại đang phải đối mặt với khó khăn lớn hơn là tiền thuê tăng.
Các khoản chi phí này bao gồm toàn bộ tiền xăng xe, chi phí sửa chữa, chi phí di chuyển bằng phương tiện công cộng, tiền gửi xe… mỗi tháng. Tuy nhiên, số này chưa bao gồm các khoản bạn phải thanh toán nếu đang mua một chiếc xe trả góp hay nó sẽ tăng lên nếu đang sở hữu ôtô.
Chi phí đi lại đã tăng rất nhiều trong những năm gần đây do nhu cầu phát triển của xã hội.
Các thành phố ngày càng phát triển theo chiều ngang, diện tích địa giới được mở rộng, các khu dân cư bắt đầu được di chuyển ra xa trung tâm thành phố và con người mất nhiều thời gian cũng như quãng đường xa hơn để di chuyển mỗi ngày.
Chi phí chăm sóc gia đình
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm nay của cả nước vào khoảng 94,66 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 48,5 triệu người.
Sau khi đã trừ đi tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi vào khoảng 2,2%, ước tính hiện nay mỗi người lao động đều có ít nhất một người phụ thuộc.
Thống kê cũng cho biết khoảng 70% người cao tuổi hiện nay sống ở nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp và chỉ 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hãy trợ cấp xã hội. Những người cao tuổi sống ở nông thôn chủ yếu không có tích lũy vật chất.
Gánh nặng này buộc phải đặt lên vai những người trong độ tuổi lao động của gia đình đó. Nhiều trường hợp một lao động đang phải gánh 3-4 người phụ thuộc bao gồm ông, bà và bố mẹ đã quá tuổi lao động.
Trong khi thu nhập chưa tăng bao nhiêu chi phí chăm sóc con nhỏ và người cao tuổi ngày một tăng khiến gánh nặng chăm sóc nhà đình ngày càng lớn hơn.
Bắt buộc phải tiết kiệm nhiều hơn
Do ảnh hưởng từ lạm phát, 100 triệu đồng bạn tiết kiệm được hôm nay sẽ không còn giá trị quy đổi tương đương trong 40 năm sau khi bạn đã về hưu. Một ước tính của Time năm 2016 cho hay 1 triệu USD tiền tiết kiệm vào những năm 80 của thế kỷ trước sẽ chỉ có mức chi tiêu như 306.000 USD của ngày hôm nay. |
Như vậy, với những người trong độ tuổi lao động hiện nay từ 20-30 tuổi và dự định nghỉ hưu khi 65 tuổi. Mức tiết kiệm hàng năm của bạn cũng sẽ bị rút ngắn lại cùng với tình hình lạm phát và biến động của đồng tiền.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn bắt buộc phải tiết kiệm nhiều hơn để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ ngơi của mình sau khi đã quá tuổi lao động.
Với mức lạm phát khoảng 3-4%/năm, thay vì tiết kiệm 10 triệu đồng mỗi tháng để dự trù cho tương lai, bạn sẽ phải tiết kiệm 10,4 triệu/tháng để số tiết kiệm của bạn sau mỗi năm sẽ duy trì được giá trị như đúng mức ban đầu.
Các khoản đầu tư không hiệu quả
Một khoản đầu tư thua lỗ có thể giết chết toàn bộ số tiền tiết kiệm nhiều năm của bạn. Rất ít người có thể thành công ngay trong những lần đầu tiên tập tành đầu tư.
Tuy nhiên, điều bạn có thể làm chính là giảm thiểu tối đa thiệt hại trong những lần đầu tư thử nghiệm như vậy.
Hãy tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực bạn định đầu tư và nắm rõ cách tiền của bạn hoạt động trong lĩnh vực đó. Trong trường hợp chưa sẵn sàng để đầu tư hãy mang số tiền đó đi gửi tiết kiệm.
Gửi tiết kiệm là cách an toàn và tốn ít thời gian nhất của bạn mà vẫn giúp đồng tiền làm việc.
Thay vì phải đau đầu kiểm tra lại khoản đầu tư của bạn mỗi tối sau khi hoàn thành đống deadline tại cơ quan, bạn hoàn toàn có thể bỏ ngỏ khoản tiền của mình trong tài khoản ngân hàng hàng tháng trời.