Nhiều lối suy nghĩ đã đi sâu vào tiềm thức con người từ khi ta còn bé, có thể là những chuẩn mực văn hóa được tiếp thu mà không hề nhận ra. Tuy nhiên những điều ta thường tin là đúng lại không phải luôn chuẩn xác, trong đó có một số vấn đề liên quan đến tiền và cách quản lý, sử dụng.
1. Nhiều tiền sẽ khiến tôi hạnh phúc hơn
Theo các chuyên gia tài chính, số tiền kiếm được không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với điều được nhận lại. Nhà hoạch định tài chính Brad Klontz cho biết: "Người kiếm được nhiều tiền thường chi cũng không ít bởi thu thập tăng thì mức sống cũng cao hơn".
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiều tiền hơn không hẳn sẽ thêm hạnh phúc. Một khảo sát tại Mỹ cho thấy mức lương 75.000 USD mỗi năm thường làm nhiều người thỏa mãn nhất. "Sau khi đạt thì việc kiếm nhiều tiền hơn không làm tăng chất lượng cuộc sống là bao", bà Susan Bradley, chuyên gia hoạch định tài chính chia sẻ.
Vấn đề nằm ở việc người ta quản lý tiền ra sao và dùng thế nào. BI dẫn lời một giáo sư tại đại học Harvard Mỹ cho hay việc mua gì cũng ảnh hưởng tới mức hài lòng của mỗi người, ví dụ chi tiền cho bữa tối cùng bạn bè, người thân.
2. Con cái là ưu tiên tài chính
Làm cha mẹ thì trách nhiệm đầu tiên là đảm bảo cho con cái được ăn mặc đầy đủ và có cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, xét về những mục tiêu tài chính cá nhân lớn hơn như cân nhắc khoản tiết kiệm cho tuổi già hay cho con học đại học thì quan tâm đến bản thân mình dường như là lựa chọn đúng.
Theo Brad, cha mẹ lo tới bản thân mình trước thì mới có thể lo cho con cái được. Ở Mỹ, sinh viên đại học có khoản vay riêng, nhưng không hề có lựa chọn tương tự nào cho tuổi nghỉ hưu. Nếu như bản thân bố mẹ không có khoản tiết kiệm thì chính họ lại tạo áp lực cho chính các con về sau.
Lập luận tương tự cũng được đặt ra trong trường hợp con cái muốn những thứ mà cha mẹ ít khả năng đáp ứng được (mua quần áo thời thượng hay tổ chức những bữa tiệc sinh nhật xa hoa...). Bà Bradley cho rằng nên đặt ra những giới hạn nhất định để con cái có thể chia sẻ một phần tài chính với cha mẹ. Lấy ví dụ như, nếu con trai của bạn muốn mua một đôi giày đắt tiền, thì hãy nói với con bạn rằng: "Bố mẹ sẽ mua cho con một đôi giày, nhưng nếu con muốn mua đôi đắt tiền hơn thì sẽ phải trả thêm khoản chênh lệch đó".
3. Đã là nợ thì thường không tốt
Những khoản vay để trả cho một tài sản mà giá trị không có xu hướng tăng lên luôn không tốt. Thẻ tín dụng là một ví dụ. "Nếu hàng tháng không trả tiền cho thẻ tín dụng thì người sử dụng có thể bị mắc vào một cái bẫy rất đáng sợ", ông Klontz nói. Nợ bạn bè hoặc những người thân trong gia đình nên tránh vì có thể gây sứt mẻ trong những mối quan hệ này.
Tuy nhiên, những khoản tiền được vay để trả cho loại tài sản có giá trị được dự đoán sẽ tăng lên trong một khoảng thời gian lại khá tốt. Theo Klonzt, nếu sinh viên vay tiền để tiếp tục đi học và sau này kiếm một công việc thu nhập cao thì khoản vay này là một sự đầu tư đáng giá.
4. Hoãn lại các mục tiệu của bản thân đến khi nào có đủ tiền (như có con, tiếp tục học cao...)
Những việc này thường phụ thuộc vào tình hình tài chính của mỗi người. "Nếu bạn gặp vấn đề về tiền thuê nhà thì tốt hơn hết là bạn nên hoãn chuyện có con", chuyên gia Brad tư vấn.
Mỗi người nên tiết kiệm để dành cho những mục tiêu tài chính dài hơi hơn, để có thể tạo lập được cuộc sống như mình mong muốn mà không có những khoản chi phí bất thình lình xuất hiện. Các chuyên gia tại trang chuyên tư vấn tài chính cá nhân Learnvest khuyên nên xây dựng quỹ đề phòng rủi ro hay mở tài khoản tiết kiệm riêng để thực hiện các mục tiêu khác nhau.
5. Không thuê nhà khi có thể mua một căn
Theo ông Klontz, việc mua nhà không phải là một quyết định ảo tưởng, mà mang tính tài chính hơn.
Trước tiên, cần phải xem định hướng của bạn có thực sự muốn ở nguyên tại một thành phố (hoặc thậm chí là khu phố) trong vài năm nữa hay không. Nếu câu trả lời là không thì việc sở hữu một căn nhà nên ở ngoài mục tiêu trước mắt. Bên cạnh đó cũng cần để tâm tới khả năng tài chính bản thân.
Một căn nhà yêu cầu rất nhiều khoản chi phí khác ngoài tiền mua. Cần tính toán các loại thuế, bảo hiểm của loại hình bất động sản mà bạn quan tâm, cộng thêm các chi phí sửa chữa cần thiết, rồi sau đó mới xem bạn có khả năng mua được căn nhà hay không.
Cuối cùng, lỗi lớn nhất thường mắc phải không phải là mua một căn nhà, mà lại là mua quá nhiều nhà trong ngân sách của bạn.
6. Tiền là căn nguyên của mọi tội ác
Điều đầu tiên phải nhận ra là lối suy nghĩ này vô cùng nguy hại với sự thành công về tài chính của bạn. Bà Bradley cho rằng đây là một quan niệm rất hẹp hòi. Thực tế là bản thân tiền không tốt hay xấu, mà vấn đề phụ thuộc vào cách người ta làm gì với tiền. Dẫn chứng về một số người giàu xấu xa không thiếu, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể lấy ví dụ về những người giàu và tốt như Bill Gates, hay những người nghèo hư hỏng.
Ông Klontz cho biết thêm, một số còn nghĩ rằng tất cả những người giàu thì đều tham lam và xấu xa. Chính vì thế, họ theo tiềm thức sẽ lựa chọn sự nghiệp thường không quá giàu có, tránh bị người khác nhìn nhận theo cách tiêu cực. Điển hình là những người trúng xổ số. Họ có rất nhiều tiền rồi sau đó trở nên hay khó chịu và lo lắng.