Bị thu phí khi thanh toán bằng thẻ
Chị Lệ mua máy lạnh với giá niêm yết 8 triệu đồng tại cửa hàng điện tử, điện lạnh trên đường Hùng Vương, quận 5 (TP HCM). Nhưng sau khi quẹt thẻ, cô nhân viên báo hóa đơn cần thanh toán là 8,16 triệu đồng và giải thích phải thu thêm phụ phí 2% để trả cho ngân hàng.
"Lẽ ra bên em phải trả phí trên nhưng do doanh số bán hàng qua thanh toán thẻ của cửa hàng rất thấp và không đủ bù chi phí để đóng cho ngân hàng, nên mới nhờ khách hàng chia sẻ" - cô nhân viên phân trần.
Một lãnh đạo của Vietcombank cho biết hiện nay để thu hút khách hàng thanh toán qua thẻ, tất cả nhà băng đều không thu phí người dùng mà chỉ thu đối với đơn vị kinh doanh (thông thường 1,5-2% trên mỗi giao dịch).
Ông này cho biết với những nơi kinh doanh có khả năng sinh lời tương đối tốt như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại.. họ đều không thu phí của khách. Còn lại, những đơn vị kinh doanh các mặt hàng mà giá bán ra trên thị trường đều tương đương nhau, tức mức sinh lời không cao thì họ thu phí của khách hàng để bù đắp phí đóng cho ngân hàng.
"Điều này là hoàn toàn sai nhưng rất khó xử lý" - ông nói. Vì họ lách bằng cách ghi thẳng giá tiền vào hóa đơn (đã bao gồm tiền sản phẩm và phí) nên ngân hàng không có căn cứ để phạt. Trường hợp phát hiện sai phạm thì chỉ có cách duy nhất là thu hồi máy chấp nhận thẻ (P.O.S.) nhưng theo ông việc này như bắt cóc bỏ đĩa, ngân hàng này phạt thì sẽ có đơn vị khác lắp đặt máy thay thế ngay.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung quy định "xử phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm phân biệt giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định pháp luật, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên" vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Tổng giám đốc một ngân hàng nhìn nhận đây là một trong số các giải pháp thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam.
Ông cũng chia sẻ về phía ngân hàng thì không thể bỏ việc thu phí đối với điểm chấp nhận thẻ mà chỉ có thể điều tiết giảm ở mức cho phép. Vì đó là nguồn thu duy nhất để duy trì hoạt động thẻ (chi trả các chi phí, chi trả cho các tổ chức thẻ quốc tế như visa, master card...). "Để người dân mặn mà với thanh toán thẻ, Nhà nước có thể giảm thuế GTGT khi họ mua hàng cũng là một trong những cách khuyến khích" - ông đề xuất.
Không được hưởng chiết khấu và các chương trình khuyến mại
Tại nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội và TP HCM, dù không tính phí nhưng một số nơi lại thêm quy định để khuyến khích khách thanh toán bằng tiền mặt. Thành viên câu lạc bộ khách hàng thân thiết của chuỗi siêu thị hàng đầu Hà Nội thường được hưởng chính sách chiết khấu 3% trên hóa đơn vào một ngày cố định trong tuần. Nhưng ưu đãi này không áp dụng với khách thanh toán bằng thẻ.
Chị Nga (ở quận 5, TP HCM) đi siêu thị tuần qua khá bức xúc vì nơi đây đang có chương trình khuyến mãi, giảm 5% trên mỗi hoá đơn mua hàng, nhưng chỉ áp dụng cho người trả tiền mặt. "Như thế này thì siêu thị khác nào phân biệt đối xử với người dùng thẻ", chị nói.
Lãnh đạo một siêu thị tại TP HCM lý giải với những khách hàng thanh toán bằng thẻ, do ngân hàng liên kết với đơn vị chấp nhận thẻ và thường có những chính sách ưu đãi, giảm giá riêng, hoặc được chiết khấu 3-5% trên hóa đơn... nên không thể áp dụng tiếp chương trình khuyến mãi, chiết khấu của siêu thị. Điều này nhằm tránh trường hợp được hưởng ưu đãi hai lần.
Vị này cũng cho biết thêm thực tế hiện nay rất ít người mặn mà dùng thẻ thanh toán (doanh số chỉ chiếm vài %), một phần do thói quen dùng tiền mặt trong mua sắm, chi tiêu đang rất phổ biến, phần khác là tâm lý ngại mất thời gian vì phải ký vào hoá đơn khi thanh toán bằng thẻ... "Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những chính sách để thu hút khách thanh toán bằng thẻ như có quầy ưu tiên riêng, thủ tục thanh toán nhanh gọn và liên kết với ngân hàng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hơn nữa..." - bà nói.
Cảm giác không yên tâm như khi mang tiền mặt
Mang tiền mặt khi đi mua sắm bao giờ cũng thấy tự tin hơn nhiều so với việc cầm độc nhất chiếc thẻ là tâm lý chung của không ít người. Phương Mai, quận 1, TP HCM đã phải chạy đôn chạy đáo ra khỏi một trung tâm thương mại lớn giữa trung tâm quận 1 để đi tìm ATM rút tiền vào thanh toán cho chiếc áo sơ mi 900.000 đồng mà cô đã mất công chọn lựa hàng tiếng đồng hồ. Vào trung tâm thương mại lớn mua sắm cứ nghĩ đã có thanh toán qua thẻ nên hôm đó cô chủ quan không mang theo tiền mặt.
"Ai dè, lúc chọn được chiếc áo ưng ý và ra quầy tính tiền, đưa thẻ visa cho nhân viên quẹt nhưng cô ấy cứ loay hoay mãi sau đó thông báo P.O.S. bị lỗi, quý khách thông cảm thanh toán giúp tiền mặt. Lúc này trong ví không có tiền buộc tôi phải đi tìm ATM rút. Kể từ đó, đi đâu tôi cũng rút sẵn tiền mặt để chi trả cho khỏi phải nơm nớp lo máy bị hỏng" - cô tâm sự.
Đó là chưa kể nhiều nơi mua sắm, vui chơi... không có máy P.O.S. để khách hàng thanh toán. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6 năm nay, các ngân hàng đã lắp đặt được 149.000 P.O.S. trên toàn quốc, tăng khoảng 15% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, các điểm chấp nhận thẻ hiện chỉ tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM, còn ở các tỉnh nông thôn, vùng xa... số lượng máy rất ít.
Sự lạnh nhạt của nhân viên phục vụ
Anh Thanh cùng một số người bạn vào nhà hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 ăn tối. Lúc đưa thẻ tín dụng cho nhân viên để thanh toán, anh nhận thấy nét mặt của cô gái có vẻ không vui. Thời gian chờ đợi tính tiền lại khá lâu, trong khi các bàn bên cạnh đưa tiền mặt cùng lúc nhưng đã xong hết. Lúc trả lại thẻ, cô nhân viên cũng không niềm nở cho lắm.
Thắc mắc với bạn bè sau đó, anh nhận được lời khuyên khi dùng bữa ở nhà hàng đó mà thanh toán bằng thẻ vẫn cần chuẩn bị chút tiền mặt để tip cho nhân viên phục vụ.
Một số điểm chấp nhận thẻ, ngay cả ở khách sạn hay resort hạng sang, nhân viên chưa chuyên nghiệp khi hỗ trợ thanh toán thẻ, làm mất thời gian và gây phiền toái cho khách. Chị Linh từng nghỉ ở resort miền Trung, theo kế hoạch phải trả phòng sớm vào 6 giờ sáng hôm sau nên chị thanh toán từ 9 giờ tối hôm trước để đỡ vội vàng. Tiền phòng gần 20 triệu đồng, tin nhắn tự động từ ngân hàng báo tài khoản đã trừ tiền ngay sau khi nhân viên nơi đây quẹt thẻ. Tuy nhiên, cô một mực bảo rằng tài khoản của resort vẫn chưa thông báo nhận được tiền. Vì vậy cô đề nghị khách cho mượn lại thẻ để quẹt thử xem có phải P.O.S. trục trặc gì không.
"Cô ấy hứa nếu lần thứ hai này tài khoản của tôi vẫn bị trừ tiền, thì ngay lập tức sẽ hoàn lại cho tôi. Thế nhưng khi tin nhắn tự động của ngân hàng tiếp tục báo tài khoản của tôi bị trừ thêm gần 20 triệu, thì cô ấy không chịu "refund" lại với lý do giao dịch thứ nhất không thành công. Và vì buổi tối không có kế toán nên không thể truy cập vào tài khoản của resort. Nói vậy thì mình đành chịu thôi" - chị Linh kể lại. Cũng may ngân hàng nơi chị mở thẻ có quy trình chuyên nghiệp, sẽ tự động hủy sau 24 tiếng nếu có hai giao dịch liên tiếp giống nhau. Đồng thời, ngân hàng cũng không tính giao dịch thứ hai vào hạn mức chi tiêu của khách.
Lo ngại về tính bảo mật
Hiện nay không chỉ thẻ tín dụng quốc tế, các ngân hàng Việt Nam còn cung cấp dịch vụ thanh toán online cho thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM). Theo đó, khách hàng được mua sắm và thanh toán trực tuyến tại các website đã tích hợp với ngân hàng thông qua các cổng thanh toán như Ngân Lượng, OnePay, SmartLink, VnPay… Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo tài khoản an toàn đang là vấn đề khiến nhiều người lo lắng.
Chị Nga, nhân viên văn phòng tại một công ty quận 10, TP HCM, là người thường xuyên sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, một lần, chị phát hiện ra một giao dịch lạ và nhờ ngân hàng tra soát thì biết được thông tin tài khoản của chị bị hack. "Dù tôi đã nhờ ngân hàng làm lại thẻ mới nhưng đến nay vẫn chưa dám sử dụng lại dịch vụ thanh toán mua hàng trực tuyến" - chị chia sẻ.
Lãnh đạo một ngân hàng đi đầu về thẻ thừa nhận thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua mạng hiện nay vẫn còn nhiều rủi ro, kể cả khi dùng thẻ quốc tế hay nội địa. Bản thân các ngân hàng cũng thấy quy trình thanh toán này còn hơi thoáng nhưng chưa thể tìm ra giải pháp nào hiệu quả hơn để khuyến cáo các trang website bán hàng tăng tính bảo mật. Theo ông, vấn đề quan trọng nhất là chủ thẻ phải tự bảo mật thông tin cá nhân của mình bằng cách giữ cẩn thận chiếc thẻ và lựa chọn những trang bán hàng uy tín để thanh toán.
Ngoài ra, ngay với trường hợp dùng thẻ để quẹt máy POS, vị này cũng khuyến cáo khách hàng cần theo sát chiếc thẻ của mình nhằm tránh những trường hợp đánh cắp thông tin từ nơi chấp nhận thẻ.