Dưới đây là 5 lý do có thể khiến bạn vẫn cảm thấy mình còn nghèo:
1. Chi phí chăm sóc con trẻ tăng
Việc thuê người để chăm lo cho con cái mỗi khi bạn đi làm sẽ tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ. Điều này thể hiện rất rõ ở Mỹ khi chi phí chăm sóc trẻ em ở những hộ gia đình có người mẹ thường xuyên đi làm đã tăng 50% từ năm 2002 đến năm 2011 và tăng 250% trong vòng 3 thập kỷ qua, theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Mỹ. Trong khi đó nếu so sánh cùng kỳ, thu nhập đã trừ thuế của cả gia đình chỉ tăng được 0,6% còn chi phí sinh hoạt tăng 1,6% .
2. Tỉ lệ tiền thuê nhà trên thu nhập
Một trong những gánh nặng của những người đi làm hiện nay là một phần lớn của tiền lương hằng tháng của họ phải dùng để trả tiền thuê nhà. Họ không đủ khả năng trả trước một phần để mua cho mình một ngôi nhà, trước khi mang bất động sản đó đi thế chấp và thanh toán số tiền còn lại.
Một thống kê cho thấy khoảng một nửa những người đi thuê nhà ở Mỹ phải chi đến 30% thu nhập hàng tháng để trả tiền thuê.
3. Chi phí giáo dục ngày càng tăng
Học phí nói chung ở các cấp học và cả các lớp học trung tâm ngày càng tăng so với trước đây, do đó số tiền các sinh viên vay vốn để trang trải học phí hoặc phục vụ cho các nhu cầu ăn ở, mua tài liệu, sắm các phương tiện học tập….ở cấp độ Đại học – Cao đẳng cũng tăng theo, dẫn đến tình trạng khi ra trường một số sinh viên ra trường vẫn phải chật vật trả nợ ngân hàng.
Nếu bản thân bạn là sinh viên phải trang trải tiền trả nợ ngân hàng hoặc bạn phải chu cấp tiền học phí cho một thành viên nào đó trong gia đình thì chi phí học tập phải bỏ ra không hề nhỏ.
4. Lãi suất tiết kiệm giảm
Lãi suất tiết kiệm sụt giảm có thể là nguyên nhân khiến tiền tiết kiệm của bạn dường như chẳng tăng lên bao nhiêu. Đối với những người có thu nhập cố định, bao gồm cả những người đã về hưu chỉ sống dựa vào lương hưu và các khoản thu nhập cố định khác thì đây chẳng phải tin tốt lành gì. Nhiều người không muốn gửi tiết kiệm nữa.
Và một khi không tiết kiệm có thể khiến bạn trở nên nghèo hơn nếu như có một số khoản chi phí phát sinh bất thường (chẳng hạn như tiền viện phí khi đau ốm, sửa nhà…), Khi đó nếu không có khoản để dành sẵn, bạn sẽ phải vay tiền hoặc sử dụng thẻ tín dụng ghi nợ để trang trải trước mắt.
5. Vật giá tăng
Giá cả những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và lương thực – thực phẩm tăng liên tục khiến tiền lương của bạn dù có tăng thêm cũng chẳng giúp bạn được nhiều. Đó là chưa kể giá cả những mặt hàng này rất dễ bị biến động do tình hình thời sự quốc tế hoặc tác động của thiên tai – những sự cố có thể đẩy giá cả tăng cao bất thường.
Trong khi đó, tốc độ tăng lương của các doanh nghiệp luôn chậm hơn tốc độ tăng giá hàng hóa trên thị trường dù năng suất lao động thì vẫn tăng đều đặn.