Trước hết, mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ giúp cả hai bên có thể khai thác, tận dụng thế mạnh lẫn nhau nhằm mở rộng hoạt động.
Mở rộng mạng bay
Hiện nay, mạng đường bay của Vietnam Airlines (VNA) đã kết nối tới 20 điểm nội địa, 29 điểm đến quốc tế và hiện đang khai thác 66 chuyến bay mỗi tuần tới Nhật Bản, bao gồm sân bay Narita, Haneda (Tokyo), sân bay Chubu (Nagoya), sân bay Kansai (Osaka) và sân bay Fukuoka. Trong khi đó, ANA là hãng hàng không 5 sao hàng đầu của Nhật Bản và chưa hợp tác với hãng hàng không nào khai thác đường bay giữa 2 quốc gia. Vì vậy, việc hợp tác với VNA để mở rộng mạng bay ở châu Á là yếu tố quan trọng với ANA vì đây là thị trường trọng điểm của tập đoàn này trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động quốc tế. Hợp tác với VNA sẽ giúp ANA tăng cường mạng bay của hãng giữa châu Á và Bắc Mỹ, tận dụng được sự phát triển của thị trường châu Á. Hợp tác với VNA là thương vụ đầu tư quan trọng ở thị trường châu Á và là số tiền đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ANA.
ANA là tập đoàn hàng không mạnh ở khu vực châu Á với đội bay sở hữu 240 chiếc, khai thác tới 88 điểm đến và vận chuyển 47 triệu lượt hành khách. Trong 5 năm tiếp theo, ANA đặt mục tiêu mở rộng đội bay lên khoảng 300 tàu bay, trong đó 3/4 sẽ là những dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu.
Tăng nhiều quyền lợi cho hành khách
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT VNA, cho biết hợp đồng hợp tác với ANA trong các lĩnh vực liên danh trao đổi sản phẩm (code-share), chương trình khách hàng thường xuyên, dịch vụ mặt đất bổ trợ sẽ tạo điều kiện cho VNA có những sản phẩm tốt hơn ở Nhật Bản - thị trường mà VNA luôn chú trọng hàng đầu trong suốt hơn 20 năm hoạt động. “Hơn nữa, bằng việc ANA hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm quản trị của một hãng hàng không có chất lượng dịch vụ hàng đầu thế giới cho VNA, chúng tôi sẽ tự tin hơn trong việc đổi mới đội tàu bay bằng những dòng máy bay thế hệ mới nhất, mở rộng mạng bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn. Hợp tác này cũng sẽ góp phần tăng cường thúc đẩy các hoạt động giao thương giữa 2 quốc gia Việt Nam và Nhật Bản, vốn đang ngày càng phát triển” - ông Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh. Ông cho rằng đây là bước đi quan trọng để VNA phấn đấu đạt mục tiêu trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm hãng hàng không đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô, giữ vị trí chủ chốt trong vận tải hàng không Tiểu vùng Mê Kông; xây dựng VNA thành thương hiệu có uy tín của Việt Nam trên thị trường.
Đặc biệt, sự hợp tác này sẽ đem lại nhiều tiện ích cho hành khách của cả 2 hãng hàng không. Cụ thể, 2 hãng sẽ hợp tác liên danh trên 30 đường bay nội địa chính của mỗi nước và trên 10 đường bay quốc tế giữa Nhật - Việt để tạo thuận lợi cho khách hàng. Đó là các chương trình cộng và tích lũy dặm thưởng cho khách. 26 triệu hội viên của ANA và 850.000 hội viên của VNA sẽ là những khách hàng được hưởng lợi từ hợp tác này khi có thể sử dụng dặm bay để lấy thưởng như là hội viên câu lạc bộ của nhau. Hành trình của khách bay cũng thuận tiện hơn khi hai bên dần triển khai cung cấp dịch vụ phụ trợ cho nhau tại các điểm đến giữa Việt Nam - Nhật Bản như check-in hành khách, xuất nhập hàng hóa, hỗ trợ dịch vụ mặt đất, suất ăn...
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, tổng doanh thu của VNA đạt 622.000 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 15,97%/năm, tổng lợi nhuận trước thuế gần 12.500 tỉ đồng, 20 năm liên tục có lãi. Sau cổ phần hóa, quý I/2016, tổng doanh thu hợp nhất của VNA ước đạt hơn 19.000 tỉ đồng, đạt 26,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt hơn 1.071 tỉ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.