Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết đợt khô hạn lịch sử vừa qua cho thấy khả năng và lợi thế của cây điều khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Chưa cần tăng diện tích, 3 năm qua, cơ quan chức năng cùng nông dân tiến hành thâm canh, cải tạo giống đã giúp năng suất điều tăng thêm 3 tạ/ha/vụ, nâng lên 1,3 tấn/ha/vụ. Thu nhập từ cây điều đã được nâng lên nên người dân không còn tình trạng chặt bỏ cây điều. Hướng tới là tiếp tục thâm canh, chọn tạo giống để đưa năng suất điều bình quân lên 2 tấn/ha. Hiện đã có không ít mô hình đạt 3,5-4 tấn/ha/vụ. Với diện tích hiện có khoảng 300.000-350.000 ha, phấn đấu đưa sản lượng lên 1 triệu tấn/năm vào năm 2020, giảm bớt tình trạng phụ thuộc nhập khẩu điều thô.
Nền kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn, sức mua trên thị trường thế giới giảm, tại Việt Nam nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khi xuất khẩu, tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ hạt điều quốc tế ổn định cùng những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành, hạt điều Việt Nam vẫn gia tăng về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đặc biệt năm 2015, theo số liệu thống kê, trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thì nhân điều là một trong 2 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục 12 tháng. Số lượng nhân điều xuất khẩu năm 2015 đạt 330.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 2,5 tỉ USD, trong đó nhân điều 2,3 tỉ USD. Với kết quả này, ngành điều Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí xuất khẩu điều hàng đầu thế giới năm thứ 10 liên tiếp và hiện chiếm trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5 tỉ USD).
Đi sâu vào các giải pháp cụ thể trong giai đoạn mới, Vinacas đề nghị nhà nước quan tâm hỗ trợ các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó đặc biệt là 2 đối tượng nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều. Trong đó, đối với nông dân chính là hỗ trợ tín dụng, cấp phép và chuyển nhượng chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, quan trọng nhất chính là các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, khuyến nông, cải tiến trang thiết bị chế biến điều.
Vinacas đề xuất thành lập quỹ phát triển điều bền vững nhằm mục đích giúp ổn định sản xuất điều, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ của doanh nghiệp - nông dân trồng điều căn cứ chủ trương, chính sách của Chính phủ về phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Nguồn thu của quỹ gồm có 4 nguồn: hỗ trợ của nhà nước, phần thu trên đầu tấn xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều (1-2 USD/tấn điều xuất khẩu), nguồn tài trợ và nguồn thu khác. Quỹ dùng để hỗ trợ chương trình thâm canh cải tạo vườn điều và nghiên cứu giống, hỗ trợ nông dân trồng điều, nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, chế tạo thiết bị chế biến điều, nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước.