Cuộc cạnh tranh xe tự lái đang nóng bỏng, đặc biệt là giữa các đại gia công nghệ Mỹ như Google, Apple và Tesla. Nếu thành công, công nghệ này sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của hàng triệu người.
Nắm bắt xu hướng
Các nước châu Á cũng nhanh chóng nhập cuộc đua. Theo Tạp chí Nikkei, Nhật Bản đang đẩy mạnh tham vọng trở thành nước đi đầu về xe tự lái ở châu lục này. Một khi quy định mới của Cục Cảnh sát quốc gia Nhật Bản được chính thức thông qua, các công ty và viện nghiên cứu sẽ được thử nghiệm xe tự lái trong các tình huống giao thông thực sự. Về lâu dài, Nhật hy vọng xe tự lái sẽ gánh bớt tình trạng thiếu hụt tài xế cũng như bổ sung phương tiện giao thông cho các khu vực ít dân sinh sống.
Không hề kém cạnh láng giềng, Hàn Quốc vừa cho phép thử nghiệm trên đường phố - trừ những khu vực cần được bảo vệ đặc biệt đối với trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi - 12 xe không người lái của 7 cơ sở nghiên cứu, bao gồm của các hãng xe Hyundai, KIA và Trường ĐH Quốc gia Seoul. Hãng tin Yonhap dẫn báo cáo của Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông cho biết Hàn Quốc dự tính khai trương tuyến xe buýt tự lái từ ga tàu điện ngầm Pangyo ở thủ đô Seoul đến Thung lũng Pangyo Techno (được gọi là Thung lũng Silicon của Hàn Quốc) vào tháng 12 tới - nếu thành công sẽ giúp Hàn Quốc trở thành một trong những nước đầu tiên đưa xe tự lái ứng dụng vào thực tế.
Không thể không kể đến giấc mơ của Singapore, nơi đã thử nghiệm xe tự lái trên một số tuyến đường nhất định kể từ năm 2015. Tháng 2 vừa qua, quốc hội Singapore chỉnh sửa Luật Giao thông đường bộ, trong đó thông qua các quy định về thử nghiệm xe tự lái trên đường phố. Cụ thể, xe tự lái phải được trang bị tính năng ghi nhận và lưu trữ dữ liệu cảm biến cũng như cảnh quay video, cùng với đó là hệ thống cảnh báo tình trạng khẩn cấp.
Tại Việt Nam, Công ty FPT Software hồi tháng 4 công bố ý định thương mại hóa một hệ thống lái tự động chi phí thấp trong vòng 2 năm nữa. Hệ thống này được FPT ra mắt vào tháng 10 năm ngoái. Cùng năm, công ty lập ê-kíp 1.000 người chuyên phát triển công nghệ tự lái. Tất cả nhằm mục đích đạt doanh thu 200 triệu USD từ công nghệ này vào năm 2020.
Giờ cao điểm buổi sáng ở thủ đô Jakarta - Indonesia cho thấy xe tự lái chưa thể chạy ở nhiều nước đang phát triển Ảnh: REUTERS
Thử thách lớn
Hiện đã phát triển được 1 mẫu xe nhỏ trang bị hệ thống tự lái, theo Tạp chí Nikkei, FPT đang hợp tác với các hãng xe của Nhật, Mỹ và Hàn Quốc để thử nghiệm hệ thống này trên các mẫu xe mới sản xuất ở châu Á và bắt đầu thử nghiệm trên đường.
Tuy nhiên, cũng như Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc…, Việt Nam bị các chuyên gia xếp vào nhóm các nước rất khó để xe tự lái lăn bánh. Ví dụ, với công ty khởi nghiệp nuTonomy (Mỹ), lý do họ chọn Singapore để thử nghiệm taxi tự lái quá dễ hiểu: Đảo quốc nhỏ bé này có hạ tầng rất tốt, mật độ lưu thông thấp, luật lệ rõ ràng và đặc biệt là người dân rất ý thức.
Xe tự lái bao gồm một loạt cảm biến, chúng "rà" đường bằng radar, sóng siêu âm và sóng laser. Nếu có vật thể nào ở quá gần, xe tự lái thường không chuyển động. Chính vì vậy, xe tự lái có khả năng "đóng băng tại chỗ" ở Kolkata (một thành phố ở Ấn Độ) có tình trạng xe "đổi làn đường liên tục và thường chạy dính sát vào nhau" hay TP HCM - nơi mà trang Business Insider mô tả là "xe máy, xe hơi và người đi bộ di chuyển theo luật riêng của mình". "Giao thông càng phức tạp thì càng cần sự uyển chuyển của con người. Khi đó, bạn phải lái xe dựa trên kinh nghiệm và khả năng ứng biến" - ông Karl Iagnemma, Giám đốc điều hành của nuTonomy, phân tích với Tạp chí Forbes.
Về lý thuyết, cuối cùng thì công nghệ tự lái cũng có thể giải mã và "trị" được giao thông ở những thành phố nói trên song có khi phải mất cả 10 năm nữa - theo ông Raj Rajkumar, một trong những chuyên gia hàng đầu về xe tự lái và hiện làm việc tại Trường ĐH Carnegie Mellon (Mỹ). Ông Rajkumar đang hợp tác với hãng ô tô General Motors (Mỹ) để nghiên cứu các công nghệ đặc biệt "xe với xe" và "xe với người đi bộ" nhằm kết nối tất cả xe hơi và người đang lưu thông trên đường. Theo Business Insider, ý tưởng trên đòi hỏi tất cả xe và người phải được trang bị cùng một loại công nghệ. Có thể tháo nút thắt này bằng cách tích hợp công nghệ cần thiết vào điện thoại nhưng dù vậy cũng sẽ mất rất nhiều thời gian.