Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu thủy sản đi 161 thị trường, với kim ngạch đạt 7,1 tỉ USD, tăng 8% so với năm trước. Mặc dù giá trị xuất khẩu trong năm qua tăng nhưng số doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ lại giảm do thuế chống bán phá giá quá cao.
Cạnh tranh quyết liệt
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho thấy xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm ngoái có tăng nhẹ nhưng tình hình vẫn còn nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác thủy sản 2016 ước đạt hơn 3 triệu tấn, tăng 3% so với năm trước. Trong đó khai thác biển hơn 2,8 triệu tấn, khai thác nội địa 200.000 tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,65 triệu tấn. Tình hình nuôi cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Sản lượng 9 tháng đầu năm 2016 giảm nhưng những tháng cuối năm tăng. Cả năm sản lượng cá tra đạt 1,15 triệu tấn, giảm 5,6%. Đối với tôm nước lợ có sản lượng 650.000 tấn, tăng 3,2%.
Thị trường Úc cần lượng tôm khá lớn nhưng nước này quy định nghiêm ngặt về kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó chưa có nước nào đưa được mặt hàng tôm tươi nguyên con đông lạnh vào Úc. Cơ hội cho mặt hàng tôm của Việt Nam xâm nhập vào thị trường này là khá lớn, nếu như Việt Nam tích cực đàm phán với Úc để có thể xuất khẩu tôm tươi nguyên con. Nhu cầu tôm sú tại thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc vẫn cao nên cần phải duy trì.
Tuy nhiên, với tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phức tạp, ảnh hưởng đến việc nuôi cá tra tại các vùng nhiễm mặn (cá bị chậm lớn, xuất huyết, nổ mắt, phù đầu). Rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh... cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ngoài ra một số quy định và thủ tục hành chính chưa thật sự hỗ trợ cho cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Giá thành sản xuất nguyên liệu trong nước vẫn còn cao. Nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng tốt các cơ hội, ưu đãi từ FTA. Các đối thủ cạnh tranh về thủy sản như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... ngày càng gia tăng sức ép cạnh tranh.
Khó khăn chồng chất
Nguồn nguyên liệu các loài hải sản có giá trị xuất khẩu hạn chế, nguồn lợi ven bờ cạn kiệt, tác động của sự cố môi trường, những yêu cầu về sản phẩm khai thác bền vững của các thị trường khiến cho nguồn cung cấp nguyên liệu đủ chất lượng xuất khẩu cũng ngày càng khó khăn. Biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng... tiếp tục diễn ra trong năm 2017.
Các thị trường nhập khẩu siết chặt kiểm tra thủy sản. Năm ngoái một số thị trường chủ lực như Mỹ, Nhật, Úc, EU, đều tăng cường kiểm tra tôm nhập khẩu. Họ tăng cường kiểm tra về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, các quy định về trách nhiệm xuất khẩu, lao động. Rào cản về thuế chống bán phá giá tôm, cá tra tại thị trường Mỹ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam. Chưa kể việc Mỹ đòi rút khỏi TPP gây lo ngại về khả năng Mỹ tăng thuế nhập khẩu, các rào cản từ thị trường này sẽ nhiều và nghiêm ngặt hơn. Tiêu thụ tại thị trường Nhật, EU vẫn trầm lắng, nhu cầu thủy sản giá cao giảm. Người tiêu dùng có xu hướng giảm mua thủy hải sản mà chuyển sang tiêu thụ thịt. Ngoài ra, những biến cố chính trị tai EU khiến đồng euro rớt giá mạnh sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu.
Hiện Ấn Độ là nước sản xuất thủy sản lớn thứ ba thế giới, họ cũng xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ, EU. Nước này đang áp dụng các biện pháp để thúc đẩy sản xuất tôm trong nước với mục tiêu tăng trưởng 4,9%. Cơ quan xúc tiến xuất khẩu thủy sản Ấn Độ đang hỗ trợ hoạt động nuôi tôm thông qua dự án nuôi tập trung. Theo đó, hơn 10.000 hộ nuôi tôm sẽ được sắp xếp vào khu nuôi tập trung để quản lý tốt hơn. Hộ nuôi được tiếp cận với nguồn vốn, con giống, thức ăn chăn nuôi chất lượng cao nhằm giúp giảm dịch bệnh.
Indonesia thì đặt mục tiêu tăng trưởng sản lượng thủy sản gần 4%/năm. Nước này tăng cường xuất khẩu tôm trung bình gần 7%/năm.
Năm ngoái sản lượng tôm của Thái Lan phục hồi trở lại gây khó khăn không ít cho các đối thủ cạnh tranh.