Theo đó, những công ty lớn toàn cầu vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nội địa đã có nhiều cải thiện về nhận thức thương hiệu của họ, theo báo cáo thường niên Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á - một nghiên cứu toàn diện về nhận thức thương hiệu dưới góc độ người tiêu dùng, được công bố bởi Tạp chí Campaign Asia - Pacific và dựa trên nghiên cứu độc quyền từ Nielsen.
Những thương hiệu đứng đầu
Về phương pháp đo lường Top 1.000 thương hiệu châu Á được tổng hợp dữ liệu từ một cuộc khảo sát trực tuyến được phát triển bởi Campaign Asia - Pacific và nhà cung cấp thông tin và hiểu biết toàn cầu Nielsen. Nghiên cứu ghi nhận thái độ của người tiêu dùng tại 13 thị trường: Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Tổng số có 400 người được hỏi ở từng thị trường (ngoại trừ Ấn Độ là 800 người và Trung Quốc là 1.200 người). Khảo sát dựa trên độ tuổi, giới tính và mức thu nhập hộ gia đình hằng tháng. Nghiên cứu được thực hiện trên 14 ngành hàng chính và 73 ngành hàng nhỏ khác.
Kết quả năm nay cho thấy Samsung - thương hiệu điện tử đến từ Hàn Quốc - vẫn là thương hiệu hàng đầu được ưa chuộng nhất tại khu vực châu Á năm thứ 6 liên tiếp. Theo sau là thương hiệu Apple của Mỹ (tăng 2 bậc so với năm 2015). Đứng thứ 3 là thương hiệu Sony, còn Nestle ở vị trí thứ 4 và Panasonic là thương hiệu đứng thứ 5. Bên cạnh đó, 5 thương hiệu khác vẫn tiếp tục giữ được vị trí của họ trong top 10 là Nike đạt vị trí thứ 6, theo sau lần lượt là LG, Cannon, Channel và Adidas.
Khảo sát top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á là khảo sát lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong năm, khảo sát này chỉ ra những thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao nhất trong khu vực. Báo cáo kết hợp nhận thức thương hiệu của người tiêu dùng tại 13 thị trường chủ chốt trong khu vực châu Á và bao gồm 14 hạng mục thương hiệu lớn, từ ngành hàng thức uống có cồn đến các dịch vụ tài chính; từ ngành hàng thiết bị điện tử tiêu dùng đến ngành công nghiệp xe hơi và hơn 70 ngành hàng nhỏ khác.
10 thương hiệu Việt Nam trong Top 1.000
Mặc dù thị trường đôi lúc vẫn còn khó khăn và bất ổn đối với DN, nhưng các DN Việt Nam vẫn đạt được những thành công nhất định. 10 thương hiệu Việt Nam đã xuất hiện trong danh sách Top 1.000 thương hiệu hàng đầu của châu Á đó là Vietjet Air (thứ 490), Viettel (501), Petrolimex (512), Vinamilk (558), MobiFone (605), Trung Nguyên (626), Hảo Hảo (654), Vietnam Airlines (708), Vietcombank (753) và P/S (807).
“Đây là những thương hiệu được người tiêu dùng ở khu vực châu Á nhắc đến khi được hỏi đâu là thương hiệu tốt nhất trong tâm trí của họ. Và một sự thật rằng các thương hiệu châu Á đang lớn mạnh dần lên và so kè cùng với các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple hoặc Nestle” - bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam, nhận định về Top 1.000 thương hiệu hàng đầu khu vực châu Á.
Các chuyên gia cũng nhận xét từ kết quả trên cho thấy các DN trong nước đã gặt hái được những thành công nhất định khi đưa tên tuổi thương hiệu của mình vượt ra khỏi Việt Nam, đến tầm khu vực. Nếu các DN nội địa tiếp tục nâng cao hình ảnh thương hiệu, giữ vững niềm tin với người tiêu dùng và tiếp tục mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất thì thương hiệu của họ sẽ còn lớn mạnh hơn nữa, thậm chí sẽ bước xa hơn trong sân chơi khu vực để vươn đến tầm cao quốc tế.
Campaign Asia - Pacific là một thương hiệu tạp chí chuyên về dịch vụ truyền thông trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Được xuất bản bởi Haymarket Media Group, một tập đoàn xuất bản lớn nhất nước Anh và là một thương hiệu chuyên về truyền thông và tiếp thị bao gồm Tạp chí Campaign và PRWeek. Campaign Asia - Pacific cung cấp những phân tích sâu và rộng của xu hướng và sự phát triển của các ngành công nghiệp, cung cấp các thông tin quan trọng đối với các DN tại các thị trường phát triển nhanh nhất và có ngành truyền thông phát triển. Cung cấp những tin tức, nghiên cứu và dữ liệu cũng như các ý kiến chuyên gia cập nhật nhất trên thị trường, bản tin điện tử thường nhật tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.