Hiện nay, không ít điểm bán sản phẩm nông nghiệp lạm dụng từ “sạch” để tiêu thụ hàng hóa. Thậm chí họ thu mua hàng hóa ở chợ đầu mối và nhiều nơi khác sau đó giới thiệu là hàng “sạch” bán cho người tiêu dùng. Giá cả cũng không ai kiểm soát. Trong khi đó, những điểm bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận đầy đủ thì giá cả khá cao, nên chỉ có người thu nhập cao mới mua loại sản phẩm này.
Người sản xuất gặp nhiều khó khăn
Nông dân trồng rau sạch gặp rất nhiều khó khăn như sử dụng phân bón, thuốc men phải được phép, thực hành VietGAP, GlobalGAP, liên kết theo chuỗi. Trong khi đó, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ do giá cao cũng như không liên kết được với thị trường. Chưa hết, người nông dân còn bị sự bất cập từ quản lý nông nghiệp, thị trường tràn lan phân bón giả, thuốc giả. Phân bón nano hiện đang bán rất nhiều trên thị trường nhưng có an toàn hay không, cơ quan chức năng cũng chưa công bố. Nhà nước cũng chưa quy định loại phân bón được sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Theo ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, hiện Long An cũng đã có đề án tập trung cho “3 cây và 1 con”. Theo đó, về lúa có 20.000 ha, thanh long 2.000 ha, rau 2.000 ha, bò thịt vùng Đức Hòa và Đức Huệ. Ứng dụng công nghệ cao vào giống, canh tác, sau thu hoạch hiện đã có nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đặt vấn đề đầu tư sản xuất, trong đó đã có một số doanh nghiệp đang đầu tư. Long An ứng dụng thiết bị công nghệ cao vào cây lúa như giống mới, quy trình canh tác, ứng dụng thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser. Cây thanh long, rau đã sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Khó khăn nhất mà địa phương phải giải quyết là liên kết sản xuất phát triển còn chậm, quy mô nhỏ nên việc ứng dụng công nghệ cao hạn chế. Kế đến là tiêu thụ nông sản sạch gặp khá nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Minh Hậu, một nhà vườn ở Bến Tre, nếu trồng sầu riêng sạch thì phải có giá gấp 3 lần sầu riêng bình thường mới duy trì được sản xuất. Sản phẩm này ra Bắc được thương lái trả giá 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên tại miền Nam, nhiều siêu thị không mặn mà vì giá cao. Do đó, ông Hậu chỉ bán được cho các đại lý hiểu và đánh giá đúng mặt hàng này.
Tương tự, một chủ trang trại ở Phú Thọ chia sẻ chục năm trước cũng trồng rau sạch tuân thủ đúng quy trình nhưng cho ra sản phẩm quá đắt, chưa kể các chi phí lưu thông, phân phối, nên khó bán. Nhu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn còn eo hẹp, vay vốn khó khăn, rau thu hoạch không bán được nên phải đóng cửa.
Còn lẫn lộn sản phẩm
“Bỏ ra nhiều tiền cũng chưa chắc mua được thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng” - đó là tâm trạng của nhiều người tiêu dùng. Thông tin từ cơ quan chức năng cũng cho thấy điều này, lượng sản phẩm nông sản có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng tiêu thụ. Trong khi thị trường đầy rẫy sản phẩm nông sản sạch, thật giả lẫn lộn.
Theo TS-BS Trần Thị Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, thực phẩm hữu cơ là những thực phẩm được sản xuất dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ giống cây trồng, vật nuôi, không sử dụng bất cứ loại thuốc trừ sâu hoặc hóa chất bảo vệ thực vật nào, cũng như không sử dụng phân bón hóa học hoặc bất kỳ kháng sinh hay hormone tăng trưởng trong suốt quá trình nuôi trồng và thu hoạch. Do đó, thực phẩm hữu cơ sẽ an toàn cho người sử dụng.
Không thể phân biệt thực phẩm hữu cơ bằng mắt thường mà phải được chứng nhận tùy theo quy định của từng quốc gia. Muốn biết sản phẩm có phải là hữu cơ hay không thì phải xem nhãn hiệu bao bì. Có 3 mức độ công bố một sản phẩm là organic trên nhãn là 100% organic (thực phẩm hoàn toàn là organic hoặc được làm từ nguyên liệu organic), nghĩa là thực phẩm này có trên 95% nguyên liệu là organic, còn trên nhãn ghi “made with organic” (hoặc “made with x% organic ingredients”, với x nằm trong khoảng 70%-95%) tức sản phẩm có ít nhất 70% thành phần nguyên liệu là organic. Trường hợp có dưới 70% thành phần là organic thì không được công bố là sản phẩm organic trên mặt trước của nhãn mà chỉ được ghi organic trên danh mục thành phần nguyên liệu ở mặt bên của sản phẩm. Nhà sản xuất không được quảng cáo organic nếu họ dùng hóa chất trong 3 năm trước khi thu hoạch.
Thực phẩm an toàn là thực phẩm không chứa lượng hóa chất hoặc vi sinh vật vượt ngưỡng, có hại cho sức khỏe. PGS-TS Trần Đình Toán, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dinh dưỡng và Công nghệ thực phẩm hữu cơ, cho rằng thực phẩm sạch là loại thực phẩm không bị ô nhiễm hóa chất, vi khuẩn, ô nhiễm vật lý, phóng xạ