Danh sách này có tới 6 người xuất thân từ lĩnh vực công nghệ, bên cạnh CEO của Unilever và CEO của Khan Academy. Điểm chung giữa họ là đều có những hoạt động tạo ra tầm ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên thế giới.
Paul Polman - CEO của Unilever
Kể từ khi lên nắm quyền điều hành Unilever năm 2009, doanh nhân người Hà Lan này đã tạo ra hơn 1.000 thương hiệu sản phẩm khác nhau, trong đó có nước sốt mayonnaise Hellmann và xà bông Dove. Năm 2010, Polman thực hiện "Kế hoạch sống bền vững" với mục đích giúp hơn 1 tỉ người cải thiện sức khỏe và điều kiện sinh sống tới năm 2020.
Polman từng tham dự diễn đàn biến đổi khí hậu của LHQ. Tại đây, ông đã công bố kế hoạch của Unilever trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong 5 năm tới, đồng thời sử dụng hoàn toàn nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Theo New York Times, hiện 40% nguồn điện năng cấp cho Unilever là từ gió và năng lượng mặt trời. Kể từ năm 2008 tới nay, công ty này đã giảm lượng rác thải tới 85% và khí thải tới 37%. Nhờ tài lãnh đạo của Polman, đặc biệt là các sáng kiến thân thiện với môi trường, doanh thu của Unilever đã tăng 30% kể từ khi ông giữ chức CEO.
Salman Khan - sáng lập kiêm CEO của học viện Khan Academy
Sinh thời, Sal Khan chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm trong ngành giáo dục. Mới đầu, ông chỉ định lập một quỹ nho nhỏ để giảng các bài toán và môn khoa học cho mấy người anh em họ. Nhưng khi tải các bài học lên YouTube năm 2006, đã có rất nhiều sinh viên tỏ ra hào hứng với hình thức giảng dạy này. Ngay lập tức Khan nhận ra ý nghĩa to lớn của việc làm đó.
Năm 2009, Sal Khan lập ra Viện Khan (Khan Academy), một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các bài hướng dẫn video trực tuyến miễn phí cho mọi người trên toàn cầu. Khan Academy nhận được sự trợ giúp của nhiều tên tuổi nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, chẳng hạn Google và Quỹ Bill and Melinda Gates. Ngày nay, Khan Academy đã có hơn 40 triệu người dùng đăng ký với, có nhiều bài giảng video đa dạng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Mục tiêu của Khan là giúp thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên giàu và sinh viên nghèo, giúp mang lại cho họ cơ hội bình đẳng để thành công.
Elon Musk - sáng lập kiêm CEO của Tesla và SpaceX
Elon Musk được coi là người tiên phong trong nỗ lực thay đổi thế giới. Những chiếc xe điện Tesla đang giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiêu liệu hóa thạch có thể khiến trái đất nóng lên. Trong khi đó, SpaceX đang đi đầu trong nỗ lực khám phá vũ trụ, tạo cảm hứng cho nhiều công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực vốn vẫn mang nặng tính độc quyền này.
Musk cũng chính là người đề ra ý tưởng phát triển hệ thống vận chuyển tốc độ cao Hyperloop, mà theo tính toán có thể đưa hành khách từ San Francisco tới Los Angeles (645km) chỉ trong 30 phút. Hiện đã có vài công ty huy động vốn cho Musk để biến giấc mơ này thành hiện thực.
Sergey Brin và Larry Page - đồng sáng lập, chủ tịch (Brin) và CEO (Page) Google
Trước khi trở thành một động từ thông dụng, Google từng là dự án nghiên cứu có tên BackRub. Sergey Brin và Larry Page gặp nhau lần đầu ở Stanford, cả hai đi tới quyết định huy động 1 triệu USD từ gia định, bạn bè và các nhân vật quen biết trong giới công nghệ để phát triển công cụ tìm kiếm trên mạng.
Gần 20 năm sau, Sergey Brin và Larry Page đang làm chủ công ty có giá trị cao thứ hai toàn cầu (sau Apple) với các thương hiệu nổi tiếng như YouTube, Android và Google Maps. Doanh thu hàng năm của Google là 75 tỉ USD. Tháng 8/2015, cả hai quyết định lập một công ty mẹ mới có tên Alphabet để quản lý tất cả, trong đó Google là một công ty con.
Bill và Melinda Gates - đồng sáng lập, đồng chủ tịch quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates Foundation
Cái tên Bill Gates đã quá nổi tiếng khi gắn với Microsoft và kể cả sau này. Tài sản của Bill Gates hiện đang ở mức 90 tỉ USD, nhưng sau khi rời bỏ Microsoft, ông và vợ (Melinda) dành chủ yếu thời gian quản lý quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation (thành lập năm 2000). Quỹ cấp tiền cho các sáng kiến và chương trình toàn cầu về sức khỏe, giáo dục và giảm đói nghèo.
Bill and Melinda Gates Foundation là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới với 40 tỉ USD, chủ yếu dành cho công tác chữa trị HIV, sốt rét và các căn bệnh truyền nhiễm. Kể từ năm 2000, đã có 4 quốc gia xóa sổ căn bệnh sốt rét với sự trợ giúp của quỹ. Năm 2014, Ấn Độ xóa sổ bệnh bại liệt. Hiện hai vợ chồng Bill và Melinda Gates đang bận rộn với kế hoạch cung cấp giải pháp mobile banking cho hơn 2 tỉ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng. Không chỉ là cặp vợ chồng giàu nhất thế giới, Bill và Melinda Gates còn là những nhà hảo tâm vĩ đại nhất. Hai ông bà từng cam kết sẽ dành hơn 95% tài sản cá nhân cho hoạt động từ thiện, và cho tới nay họ đã dành ra 27 tỉ USD cho sứ mệnh này.
Mark Zuckerberg – đồng sáng lập kiêm CEO Facebook
Kể từ khi lập ra Facebook trong căn phòng bừa bộn ở Harvard năm 2004, Mark Zuckerberg đã biến website này thành một trong những công ty lớn nhất Thung lũng Silicon và là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới trị giá hơn 330 tỉ USD.
Sau khi sinh con gái tháng 11 năm ngoái, cặp vợ chồng Zuckerberg - Priscilla Chan cam kết dành 99% tài sản – tương đương hơn 52,1 tỉ USD cho hoạt động từ thiện, đồng thời lập ra Sáng kiến Chan Zuckerberg (Chan Zuckerberg Initiative). Tổ chức này sẽ cấp khoản đầu tư dài hạn cho các sứ mệnh và tổ chức cải thiện sức khỏe, giáo dục và bình đẳng.