Đường dây 500 KV mạch 1 được xây dựng từ năm 1992 và đưa vào sử dụng năm 1994. Đường dây tại thời điểm bắt đầu vận hành được bảo đảm các thông số kỹ thuật, điều kiện tiêu chuẩn vận hành an toàn.
An toàn cho dân
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Truyền tải điện Thanh Hóa, sau hơn 20 năm đưa vào vận hành, đường dây đã bộc lộ một số khiếm khuyết. Đặc biệt, nhiều đoạn dây đã bị võng xuống. Ví dụ như tại khoảng néo 282-292 chạy song song với đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa), qua thực tế khảo sát, chúng tôi ghi nhận từ độ cao ban đầu cách mặt đất hơn 11 m thì nay nhiều đoạn chỉ còn khoảng 9 m. Ở những đoạn khoảng cách cột càng dài thì độ võng xuống càng nhiều, dẫn đến tình trạng vi phạm pha đất hoặc gần với vi phạm pha đất.
“Do đó, phải tiến hành căng lại nhằm bảo đảm an toàn. Cụ thể là phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm rút dây, nâng độ võng, nâng khoảng cách pha đất nhằm bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Quan trọng hơn là để bảo đảm an toàn cho nhân dân địa phương, tránh tình trạng bà con nông dân đi làm nương rẫy và các phương tiện qua lại có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện” - ông Giang giải thích.
Trước khi bắt tay vào tiến hành đại tu đường dây này, ông Giang cho biết từ gần nửa năm trước, Truyền tải điện Thanh Hóa đã phải lên phương án, xây dựng biện pháp thi công, kế hoạch cắt điện để Công ty Truyền tải điện 1 báo cáo lên Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) và xin phép Trung tâm Điều độ điện Quốc gia (A0). Sau đó, A0 lên kế hoạch và chốt lịch cắt điện thì công tác đại tu mới thực hiện được.
Bảo đảm phụ tải, không gây mất điện
Đại diện NPT cho hay đường dây 500 KV có 2 nhánh nên khi cắt điện nhánh 1 vẫn bảo đảm được phụ tải, không gây mất điện. Tuy vậy, mọi việc phải được chuẩn bị kỹ do đường dây 500 KV là đường truyền tải xương sống và tình trạng tải tăng cao, hạn hán đang kéo dài từ miền Trung vào miền Nam.
Việc sửa chữa đường dây thường được thực hiện trong vòng 3-4 ngày nhưng do thời tiết nắng nóng trên khắp cả nước nên buộc phải hạn chế thời gian cắt điện. Do đó, theo kế hoạch được phê duyệt thì chỉ tiến hành cắt điện trong 2 ngày. Đơn vị phải đẩy nhanh tiến độ từng ngày, từng giờ trong điều kiện làm việc nắng nóng. Kết quả, đã hoàn thành công tác đại tu trong 3 ngày, trong đó, dành một ngày cho công tác chuẩn bị và chỉ tiến hành cắt điện sửa chữa 2 ngày. “Chúng tôi đã huy động 50 công nhân cùng máy móc làm việc từ sáng đến gần 21 giờ. Trong quá trình làm, các công nhân phải thay nhau xuống chân cột điện ăn cơm” - ông Giang chia sẻ thêm.
Đáng nói, tiến độ đại tu đường dây vẫn bảo đảm hoàn thành cho dù bị nhận lưới điện chậm. “Theo lịch cắt điện được duyệt, lưới điện sẽ được bàn giao cho bên truyền tải thi công từ lúc 5 giờ ngày 9-7 nhưng phải hơn 4 tiếng sau đó, lưới mới được giao. Việc nhận lưới được tiến hành muộn hơn kế hoạch bởi cắt điện đối với đường dây 220 KV thì thủ tục, thao tác xin lệnh và ra lệnh không khó khăn nhưng đối với 500 KV, mạch máu chính của quốc gia thì thao tác lệnh tương đối ngặt nghèo” - ông Giang giải thích thêm. Cũng chính vì vậy mà tuy một nhánh của đường dây 500 KV bị cắt song không gây mất điện trên hệ thống do đã được khớp lệnh điều hòa, san tải hợp lý.
Cũng theo ông Giang, việc sửa chữa có thể ảnh hưởng lớn đến hoa màu do khi thi công san ủi. Tuy nhiên, đội thi công đã vận động, tuyên truyền để bà con hiểu được mức độ và tầm quan trọng của điện cao thế, tạo điều kiện cho đội thi công thực hiện và sẽ có những đền bù thỏa đáng cho bà con nông dân.