Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của khoảng 300 đại biểu là giảng viên các khoa của Trường ĐH Y Dược Huế, các trường đại học thuộc khối ngành khoa học, các bác sĩ từ Bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế và các bệnh viện lớn tại Huế, Đà Nẵng, cùng nhiều cán bộ y tế thuộc các sở, phòng, trung tâm chăm sóc sức khỏe và an toàn thực phẩm của thành phố. Hội thảo có sự tham gia trình bày của 2 diễn giả quốc tế GS-TS John D. Fernstrom đến từ Trường ĐH Y Pittsburg (Mỹ) và TS Hisayuki Uneyama đến từ Trung tâm Thông tin Umami quốc tế.
Khách mời tham dự hội thảo
Các khách mời đã được chia sẻ nhiều thông tin mới và hữu ích về vị umami, vị cơ bản thứ 5 trong thế giới ẩm thực. Theo đó, vị umami được khám phá bởi một nhà khoa học người Nhật Bản từ năm 1908 với khả năng mang lại vị ngon, vị ngọt thịt cho các món ăn. Chất tạo vị umami chủ yếu là glutamate, một axít amin tồn tại phong phú trong cơ thể sống và các thực phẩm tự nhiên. Gần đây, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy vai trò quan trọng của glutamate với hoạt động sinh lý, dinh dưỡng như gia tăng tiết nước bọt và gia tăng tiết dịch vị qua đó thúc đẩy hoạt động tiêu hóa, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của con người.
Một nội dung quan trọng khác của hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều khách mời là thông tin khoa học liên quan tới việc sử dụng glutamate trong khẩu phần ăn dưới dạng bột ngọt. Theo đó, các mối quan tâm đến tính an toàn của bột ngọt, với thành phần chính là glutamate, đã được chia sẻ và giải đáp. Khi xem xét dưới góc độ khoa học, thông qua các nghiên cứu được tiến hành trên quy mô lớn, bột ngọt được chứng minh là an toàn cho người dùng khi được sử dụng dưới dạng gia vị trong chế biến món ăn.