Các hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJ) và Jetstar Pacific Airlines (JPA) đang khai thác 105 đường bay quốc tế đi/đến Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng.
"Nóng" phân khúc giá rẻ
Tại thị trường nội địa, 4 hãng hàng không Việt Nam là VNA, VJ, JPA và VASCO đang khai thác 52 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM với 18 sân bay địa phương. Bên cạnh hoạt động thường lệ, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng tăng cường hoạt động khai thác thuê chuyến quốc tế theo từng thời điểm đi/đến Cần Thơ, Đà Lạt, Vinh và sắp tới là Đồng Hới, Thanh Hóa.
Từ mùa hè 2017, các hãng hàng không nội địa đồng loạt tăng chuyến và mở thêm các đường bay quốc tế đến khu vực châu Á, đặc biệt là ở phân khúc giá rẻ. VJ trong tháng 5 đã mở đường bay Đà Nẵng - Seoul (Hàn Quốc) tần suất 1 chuyến/ngày, đến ngày 31-8 tiếp tục khai trương đường bay Hà Nội - Yangon (Myanmar) mỗi ngày 1 chuyến với giá vé chỉ từ 105.000 đồng/vé/chiều. Đến nay, VJ có 4 đường bay đến Seoul, khởi hành từ Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và Đà Nẵng. Như vậy, cùng với việc mở đường bay đến Hồng Kông, Nhật Bản vào năm 2016, đến nay, VJ đã có mạng bay quốc tế rộng khắp đến các thị trường có tầm bay dưới 5 giờ, phù hợp với dòng máy bay đang khai thác là A320 và A321. Mỗi ngày, hãng thực hiện khoảng 350 chuyến bay với 63 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia...
Vào dịp cao điểm hè, sân bay quốc tế Nội Bài tiếp nhận 530 lượt chuyến cất/hạ cánhẢnh: Phương Anh
Trong khi đó, JPA từ tháng 9 sẽ khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Osaka, bổ sung thêm sản phẩm phân khúc giá thấp của VNA và JPA đến thị trường Nhật Bản, đáp ứng nhu cầu cao và đa dạng của khách du lịch, doanh nhân 2 nước. VNA hiện là hãng vận chuyển lớn nhất trên đường bay trực tiếp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, cung cấp trung bình 70 chuyến bay/tuần thuộc 10 đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng tới 5 sân bay tại Nhật Bản là Haneda, Narita, Kansai (Osaka), Centrair (Nagoya) và Fukuoka. Riêng năm 2016, dung lượng thị trường hàng không giữa 2 nước đạt hơn 1,1 triệu khách, ước đạt trên 1,3 triệu khách vào năm nay (tăng 17%). Trong giai đoạn tới, VNA sẽ tiếp tục lộ trình hoàn thiện tần suất, đưa đội tàu bay thân rộng thế hệ mới khai thác trên các đường bay Nhật Bản và phối hợp với JPA phát triển đa dạng các sản phẩm mới.
Thuê thêm máy bay phục vụ cao điểm
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến nay, đội máy bay cánh bằng của các hãng Việt Nam khai thác vận chuyển hàng không gồm 164 chiếc, tăng 17 chiếc so thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, tỉ lệ sở hữu đạt 36% (59 máy bay sở hữu), độ tuổi bình quân của máy bay là 5,7 tuổi. Từ nay đến hết năm 2017, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến sẽ nhận thêm 20 máy bay, nhiều nhất là VJ. Hiện VJ đang khai thác 45 máy bay.
Trong quá trình hoạt động và phát triển của các hãng hàng không Việt Nam, đội máy bay thuê đóng vai trò quan trọng và là phương tiện chủ lực trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa. Các hãng hàng không vẫn thuê ướt (thuê máy bay có tổ lái, tiếp viên) để sử dụng cho các nhu cầu ngắn hạn, đột xuất hoặc phục vụ dịp cao điểm Tết, hè hoặc cho các chuyến bay thuê chuyến từ những hãng hàng không trong khu vực (Philippines, Myanmar, Taiwan…) và trên thế giới (Bulgaria, Latvia, Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Czech…). Hiện tại, VNA đang thuê ướt máy bay A321 của Cambodia Angkor Air đến ngày 31-12; VJ thuê ướt 3 máy bay A320 của Freebird Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) đến tháng 8-2017, thuê 3 máy bay A320 của BH Air (Bulgaria) đến ngày 31-8 và 1 máy bay của Myanmar Airways đến ngày 6-8.