ValuES được xem như một công cụ hiệu quả để tính toán và chuyển đổi các lợi ích hữu hình và vô hình thành giá trị tiền tệ nhờ đó mà hậu quả từ việc suy thoái và mất đi của các dịch vụ HST được nhìn thấy cụ thể hơn. Công cụ này giúp cho các nhà lập kế hoạch và ra quyết định hiểu rõ hơn giá trị kinh tế của đa dạng sinh học và các loại hình dịch vụ HST khác nhau. Tuy nhiên, những công cụ này vẫn chưa được phổ biến và áp dụng rộng rãi.
Đó là thông tin tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về lượng giá, đánh giá và lồng ghép dịch vụ hệ sinh thái vào kế hoạch kinh tế”, do Viện Chiến lược - Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức - GIZ và Tổ chức Winrock quốc tế vừa tổ chức tại Hà Nội.
Cho đến nay, giá trị của các dịch vụ HST vẫn chưa được đề cập trong các quyết định quy hoạch và đầu tư, các dịch vụ tự nhiên vẫn được xem như là các dịch vụ “miễn phí” hay các dịch vụ “hàng hóa công”. Việc lượng giá các dịch vụ HST giúp hỗ trợ quá trình nhận thức và đánh giá, đồng thời nắm bắt được giá trị kinh tế của các HST. Từ đó, lượng giá dịch vụ HST giúp xác định được mối tương quan giữa kinh tế - xã hội với việc sử dụng HST. Lượng giá kinh tế dịch vụ HST cũng giúp xác định các phần thưởng xứng đáng cho những người dân địa phương đang góp phần bảo vệ HST.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng ISPONRE, cho biết đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc việc làm thế nào để áp dụng các bài học kinh nghiệm của quốc tế và khu vực để áp dụng lượng giá HST ở cấp quốc gia. Đại diện đến từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ cũng cho biết HST cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho đời sống và sinh kế của người dân. Giá trị kinh tế của các dịch vụ HST hiện nay vẫn chưa được xem trọng và lồng ghép một cách đầy đủ vào quy hoạch phát triển, lập ngân sách và quá trình ra quyết định. Việc lượng giá dịch vụ HST là cần thiết để tăng cường nhận thức và thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và phục hồi các HST. Các HST khỏe mạnh cung cấp các lợi ích to lớn về mặt sức khỏe và tiết kiệm cho cộng đồng.
Các hệ sinh thái đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế của một quốc gia thông qua các dịch vụ mà chúng đem lại. Chẳng hạn như rừng ngập mặn cung cấp bãi sinh sản cho các loài cá và bảo vệ bờ biển khỏi các trận lũ lụt. Từng giúp kiểm soát xói mòn đất và điều tiết dòng chảy của các con sông để phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo ra năng lượng. Lượng giá các dịch vụ HST và lồng ghép chúng vào quy hoạch phát triển và các quyết định đầu tư là cần thiết để bảo đảm sự phát triển kinh tế lâu dài.
Được biết nhân dịp này, các cơ quan trên sẽ tổ chức khóa tập huấn 3 ngày cho những giảng viên, những người sẽ tiếp tục giới thiệu công cụ này đến các tỉnh. Những người sẽ đào tạo tiếp một đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp trực tiếp tính toán và thực hiện nghiên cứu lượng giá dịch vụ HST cho Chính phủ và các chính quyền địa phương khi họ quyết định lồng ghép các công cụ này vào quá trình ra quyết định.