Các khái niệm kết nối được mang một ý nghĩa mới: Các nhà bán lẻ đang thực hiện các công nghệ kỹ thuật số mới làm biến đổi những trải nghiệm mua sắm và để phù hợp hơn với lối sống của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng là một trong số những người tiêu dùng kết nối nhiều nhất trên thế giới. Và khi internet và cơ sở hạ tầng di động cải thiện, độ phủ tăng theo cấp số nhân trong khu vực thì người tiêu dùng “siêu” kết nối ở châu Á sẽ tham gia tương tác với các thương hiệu theo một cách hoàn toàn mới. Truy cập không bị trói buộc với các thông tin về thương hiệu và sản phẩm sẽ đem đến một hệ sinh thái mới của thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và thanh toán thông qua thiết bị di động, phương tiện truyền thông xã hội, dịch vụ định vị, công cụ mua sắm và trang web của nhà sản xuất cũng như nhà bán lẻ. Nhiều người trong số những người tiêu dùng này thuộc tầng lớp trung lưu mới đang ngày càng đông, họ dịch chuyển qua lại giữa kênh truyền thống và trực tuyến để tương tác với thương hiệu và các sản phẩm trên nền tảng kỹ thuật số, vượt xa hơn người tiêu dùng tại những thị trường phát triển” - ông Roberto Butragueno, Phó Giám đốc khối bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết.
Phần lớn người tiêu dùng cho rằng họ đã mua trực tuyến các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm, thiết bị điện tử và sản phẩm công nghệ thông tin, điện thoại di động. Đặt hàng trực tuyến để giao đến tận nhà đã trở thành mô hình cho thương mại kết nối và nó là loại hình chuyển phát được ưa chuộng nhất.
Khi cần mua một số loại sản phẩm lâu bền hoặc dịch vụ liên quan thì các kênh trực tuyến vẫn là điểm đến mua sắm yêu thích của nhiều người tiêu dùng. Chẳng hạn trong số những người Việt mua các sản phẩm du lịch, dịch vụ thì đa số cho rằng họ mua các loại sản phẩm này trực tuyến thường xuyên hơn so với việc đến cửa hàng.
Để thuyết phục khách mua hàng, nghiên cứu cho thấy có nhiều nguồn thông tin tác động đến khách hàng. Đối với các loại sản phẩm tiêu dùng, nguồn thông tin có ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định mua hàng là kênh truyền thông truyền thống. Việc đến cửa hàng hay nghe thông tin, lời khuyên từ bạn bè hoặc người thân cũng là nguồn thông tin hữu ích cho việc mua sắm các sản phẩm tạp hóa, các sản phẩm chăm sóc cá nhân và sắc đẹp... Các nguồn thông tin khác giúp người tiêu dùng quyết định mua hàng là trang web của thương hiệu, trang web của cửa hàng, các kênh truyền hình hoặc đài phát thanh, các kênh truyền thông xã hội, tờ rơi hoặc thư quảng cáo...