Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1-1-2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, trách nhiệm kiện doanh nghiệp nợ BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ) sẽ do tổ chức công đoàn (CĐ) đảm nhận.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết thực hiện văn bản của TAND Tối cao, trong thời gian đầu, BHXH TP HCM sẽ phối hợp với LĐLĐ TP HCM trong việc hỗ trợ tổ chức CĐ về mặt thủ tục lập hồ sơ khởi kiện cũng như quy trình khởi kiện và thi hành án nhằm mục đích thu hồi nợ BHXH, BHYT để giải quyết quyền lợi chính đáng của NLĐ trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Theo bà Nguyễn Thị Thu, khi TAND các cấp đình chỉ các vụ án liên quan đến việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH TP HCM gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền nợ BHXH, BHTN qua công tác khởi kiện đã đem lại hiệu quả tích cực và làm cơ sở giải quyết chế độ BHXH và BHTN cho NLĐ. Từ khi Luật BHXH có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, việc khởi kiện được giao cho tổ chức CĐ thực hiện và cơ quan BHXH chỉ có quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.
Thời gian qua, BHXH TP HCM còn tăng cường phối hợp với Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM về việc thanh - kiểm tra đơn vị vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT, ngoài ra còn chuẩn bị các bước cho công tác thanh tra chuyên ngành thu BHXH; BHYT do cơ quan BHXH thực hiện, đồng thời củng cố, chuẩn bị hồ sơ pháp lý đối với các đơn vị cố tình chây ì, trốn đóng BHXH có tính chất nghiêm trọng chuyển sang cơ quan CSĐT truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 214, 215, 216 của Bộ Luật Hình sự từ ngày 1-7-2016 đối với người sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN.