Hàng đồ chơi Trung Quốc đang giăng ma trận tại Việt Nam
Chỉ còn 1 ngày nữa là Tết Thiếu nhi 1/6, lúc này nhu cầu tìm đồ chơi cho con đang nóng nhất trong năm. Tiêu chí nhiều phụ huynh đặt ra là đồ chơi vừa có giá phù hợp, an toàn và tốt cho con. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường đồ chơi năm nay không mới và thất vọng hơn khi hàng Trung Quốc tràn ngập ở mọi mẫu mã, chủng loại.
Như rất nhiều gia đình khác anh Vũ Việt Hùng (39 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đang đau đầu tìm mua đồ chơi cho hai cháu bé 1,5 tuổi và 4 tuổi. Do mạng xã hội, báo chí và truyền hình lúc nào cũng nói ra rả về đồ chơi Trung Quốc không an toàn, có hóa chất gây hại cho trẻ nhỏ, nên anh rất lo lắng.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, anh dành cả buổi tối lên mạng tìm đồ chơi Việt, nhưng mãi vẫn chỉ thấy các đồ chơi bằng gỗ không đặc sắc hoặc một vài tranh ảnh, hình nộm giấy.
“Tiêu chí là chọn hàng Việt nhưng hàng Việt khá ít, chỉ một vài sản phẩm đĩa bay, người máy nhún nhảy theo nhạc của tosy… mà giá lại đắt. Tôi quyết định tìm bộ Lego xếp hình cho thằng cu 4 tuổi và đặt 1 chiếc thảm đồ chơi Thái cho bé con”, anh Hùng nói.
Siêu thị Metro có gian trưng bày đồ chơi dành cho bé nhưng đa số là hàng đồ chơi Trung Quốc
Không có điều kiện tìm trên mạng, chị Ánh Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) tranh thủ thời gian trưa lên phố Hàng Lược (Hoàn kiếm, Hà Nội) tìm mua đồ chơi cho con. Tuy nhiên, kiểm đi, soát lại những đồ chơi ở đây đều là hàng Trung Quốc không khác gì ở quê chị.
"Ở quê toàn đồ chơi Trung Quốc, sợ nguy hiểm song lên đây vẫn đa số hàng Trung Quốc, tìm mỏi mắt không thấy hàng Việt đâu. Nghe người ta mách phải vào các siêu thị bán đồ trẻ em mới có đồ chơi Việt hoặc Thái, Nhật Bản", chị Hồng nói.
Đúng như phản ánh của khách hàng, theo quan sát của phóng viên, đa số hàng đồ chơi ở phố Hàng Lược - một phố lớn chuyên bán đồ chơi trẻ em đều bán hàng có xuất xứ Trung Quốc. Đồ chơi trẻ em khá đa dạng như ô tô, siêu nhân, báy bay. Với các đồ chơi cho bé gái cũng vậy, từ thú nhồi bông đang được yêu thích như minion đến búp bê bằng nhựa nhiều màu sắc sặc sỡ đều do Trung Quốc sản xuất với giá chỉ từ 40.000 đến 200.000 đồng/chiếc.
Tại một siêu thị nhỏ chuyên bán đồ cho bé, xuất hiện đồ chơi Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản giá lại khá đắt.
Đáng nói, đa số đồ chơi "Made in China" chỉ ghi tiếng Trung, không có phiên âm tiếng Việt ngoại trừ giá tiền; trên vỏ sản phẩm không hề ghi ngày sản xuất, chất liệu tạo thành. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các bậc cha mẹ sợ hãi vì nhiều vụ trẻ em ngậm đồ chơi bị ngộc độc hay nuốt phải các miếng đồ chơi do nhựa vỡ...
Các cửa hàng đã thế, tại các siêu thị, trung tâm bán lẻ đồ trẻ em cũng không khá hơn. Tại siêu thị BigC hay Metro Hà Nội đều có gian hàng đồ chơi trẻ em song hàng Việt khá thưa thớt, chỉ là tranh ảnh, chữ, đất nặn hay thú cưng bằng gỗ sơn… Còn lại đều là các mặt hàng đồ chơi Trung Quốc với chất lượng không khác gì các cửa hàng ngoài phố.
Một cửa hàng bán đồ chơi thiếu nhi toàn Made in China, khá đìu hiu dù lúc này đang là mùa cao điểm mua sắm đồ chơi cho bé.
Các siêu thị bán đồ mẹ và bé như baby mart, siêu thị mẹ và bé, bibomart... dù xuất hiện một số đồ chơi ngoại như Thái Lan, Nhật Bản,.. song giá các đồ chơi này khá đắt. Đặc điểm dễ thấy là không đa dạng, chủ yếu dành cho các bé từ 3 - 5 tuổi trở lên, chủng loại ít cộng với giá cao, mạng lưới phân phối ít nên không nhiều khách hàng.
Một số đồ chơi công nghệ có xuất xứ Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài như con quay cánh quạt, lốc sao chổi hay đĩa bay,... cũng được bày bán ở một số cửa hàng và đại lý lớn, song lượng khách mua những loại sản phẩm này khá ít vì giá tương đối đắt, màu sắc không bắt mắt bằng đồ chơi Trung Quốc.