Với việc đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành SCADA (Supervisory Control And Data Acquisition - thu thập dữ liệu, giám sát và điều khiển từ xa) từ ngày 29-6 (tại số 72 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC) tiến tới quản lý, vận hành lưới điện tại 21 tỉnh, thành phía Nam bằng công nghệ số. Đây là một trong những bước quan trọng thực hiện chiến lược phát triển lưới điện thông minh theo đề án được Thủ tướng phê duyệt.
SCADA - hệ thống thông minh
Hiện nay, EVN SPC đang quản lý khoảng 200 trạm biến áp 110 KV. Tùy quy mô, mỗi trạm cung cấp điện cho từ vài ngàn đến vài chục ngàn khách hàng với hàng chục ngàn km đường dây điện truyền tải phân phối. Khi lưới điện xảy ra sự cố, các nhân viên kỹ thuật phải thông qua khách hàng phản ánh hoặc phải dò tìm thủ công để xác định nguyên nhân, sau đó mới đề ra phương án sửa chữa.
Nhưng với hệ thống điều hành SCADA, gần như toàn bộ các trạm biến thế, lưới điện được số hóa trên hệ thống máy tính. Chỉ cần theo dõi qua hệ thống máy tính, các nhân viên trực biết được tình hình vận hành thực tế trên lưới điện như: điện áp, dòng điện, công suất... để điều hành nguồn điện ổn định, hợp lý nhất. Trường hợp hệ thống điện gặp sự cố, hệ thống thông minh này cấp báo để các đơn vị quản lý đề ra các phương án khắc phục trong thời gian nhanh nhất.
Ông Nguyễn Phước Quý Hải, Giám đốc Trung tâm SCADA - EVN SPC, khẳng định đối với những sự cố thoáng qua, nếu chưa có hệ thống SCADA thì đơn vị quản lý vận hành khó biết được đã xảy ra sự cố. Điều này tạo ra sự tiềm ẩn nguy cơ sự cố sẽ mở rộng và gây hậu quả nặng nề hơn. Ngược lại, khi có hệ thống SCADA, trong điều kiện mưa, gió, bão lũ... cần phải thao tác cắt điện các đường dây cũng như thực hiện cấp điện trở lại, nhân viên trực chỉ cần thao tác trên hệ thống mà không phải đến trực tiếp hiện trường".
Trung tâm điều hành SCADA Ảnh: Đình Hoàng
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Phòng Điều độ Công ty Điện lực Trà Vinh, không thể quên sự cố mất điện tại khu vực phụ ấp Trạm, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh vào ngày 4-6 mà nhờ hệ thống SCADA nên việc phát hiện và xử lý sự cố được giải quyết nhanh hơn. Đó là vào lúc 13 giờ 58 phút, hệ thống SCADA báo hiệu thiết bị đóng cắt (recloser) khu vực phụ ấp Trạm bị bật. Sau khi thao tác trên máy tính, thiết bị này không tự đóng lại, báo hiệu sự cố nghiêm trọng trên lưới điện đã xảy ra. Ngay lập tức, nhóm công nhân điện lực Cầu Ngang và Trà Cú được huy động xuống hiện trường cách đó 15 km để dò tìm nguyên nhân sự cố. Khi trích xuất dòng ngắn mạch và kiểm tra thực tế tại hiện trường, nhóm công nhân phát hiện nguyên nhân do phóng điện trên sứ tại trụ điện số 1 nhà La Cà 5 nên đã khẩn trương xin lệnh khắc phục sự cố. Toàn bộ quá trình phát hiện, huy động lực lượng, phương tiện đến hiện trường khắc phục xong sự cố trong vòng 1 giờ 30 phút.
Theo ông Hùng, đối với những sự cố như vậy, trước khi có hệ thống SCADA, việc truy xuất nguyên nhân và khắc phục sự cố mất nhiều thời gian hơn.
Kết nối 21 tỉnh, thành
EVN SPC đã tạo bước đột phá trong phát triển lưới điện thông minh bằng việc nỗ lực triển khai đề án xây dựng dự án SCADA hướng đến mục tiêu trạm biến áp 110 KV không người trực trong 9 năm qua. Sau giai đoạn nghiên cứu và thí điểm xây dựng hệ thống SCADA kết nối các trạm biến áp 110 KV, dự án chính thức triển khai từ năm 2012 với giá trị đầu tư lên tới 15,3 triệu USD, từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới, sử dụng công nghệ từ Tập đoàn Siemens (Đức). Bằng sự nỗ lực của các bên, hệ thống SCADA được xây dựng hoàn tất và EVN SPC đã cấp giấy chứng nhận đưa hệ thống vào vận hành chính thức (OAC) từ ngày 10-5 vừa qua. Quy mô dự án gồm một hệ thống SCADA chính, một hệ thống dự phòng kết nối lưới điện, trạm biến áp tại 21 tỉnh, thành phía Nam.
Khi hệ thống SCADA vận hành có 104 trạm biến áp 110 KV không người trực đã được kết nối. Đến nay, số lượng trạm biến áp kết nối đã tăng lên 164 trạm. Từ chuyển giao kỹ thuật nước ngoài, các cán bộ EVN SPC học hỏi để tiếp tục kết nối toàn bộ 200 trạm biến áp trong năm 2017, trong đó có những trạm biến áp phát triển mới sau này. Đồng thời hệ thống SCADA này cũng sẽ kết nối đồng bộ về Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam (A2) nhằm chia sẻ dữ liệu và thực hiện công tác điều độ khi có yêu cầu từ A2.
Với thành công ở giai đoạn đầu, EVN SPC tiếp tục nghiên cứu phát triển giai đoạn 2 cho hệ thống SCADA theo hướng thông minh hơn. Cụ thể ngoài việc phát hiện sự cố, hệ thống SCADA mới sẽ được lập trình tự động cắt điện trong phạm vi nhỏ nhất. Mặt khác, so với cách quản lý vận hành trước đây (mỗi trạm biến áp có khoảng 10 người trực) thì với hệ thống SCADA, việc bật mở các thiết bị đóng cắt… đều thực hiện thao tác trên máy tính, vì vậy, EVN SPC sẽ giảm số lượng người trực tại các trạm này còn khoảng 2 người/trạm, như vậy sẽ giảm đáng kể số lượng nhân viên trực tại các trạm biến áp trên địa bàn 21 tỉnh thành.
Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, năm 2017, EVN chọn chủ đề "Đẩy mạnh khoa học công nghệ" với mục đích triển khai ứng dụng mạnh mẽ và phát triển khoa học công nghệ để áp dụng trong quản trị, điều hành, vận hành hệ thống điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng nhằm nâng cao độ tin cậy vận hành hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Đột phá nhờ dám nghĩ, dám làm
Trung tâm Điều hành SCADA thành lập theo Quyết định số 975/QĐ-EVN SPC ngày 31-3-2016 của EVN SPC. Lãnh đạo EVN SPC khẳng định việc triển khai xây dựng hệ thống SCADA là tất yếu, phù hợp với sự phát triển hiện đại hóa, tự động hóa trong ngành điện. Kết quả của dự án đã thể hiện tập thể EVN SPC với tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đổi mới và đột phá ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành lưới điện.