Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết: Nửa đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may Việt Nam đạt 12,666 tỉ USD, chỉ đạt 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm. Như vậy, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, chủ yếu do các yếu tố khách quan là giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn.
Cạnh tranh quyết liệt
Hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt ở tất cả lĩnh vực: giá, năng suất lao động, rào cản kỹ thuật với một số nước, thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn... Trong khi đó, cơ chế, chính sách của các cơ quan nhà nước lại có những điều chỉnh chưa bắt kịp với tình hình chung của ngành.
Đáng chú ý, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may 6 tháng đầu năm chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) FDI, trong khi các DN ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket. Việc thiếu đơn hàng, trước mắt các DN vẫn có thể khắc phục được nhưng từ tháng 8 trở đi, đơn hàng có vẻ “đuối”, đặc biệt là nhiều DN vừa và nhỏ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Tình trạng này nếu kéo dài, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 29 tỉ USD.
Việc Anh rời bỏ EU cũng đã có tác động nhất định đến tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Hiện KNXK hàng may mặc của Việt Nam sang Anh chỉ chiếm 3% tổng KNXK sang các thị trường nên Brexit chưa ảnh hưởng nhiều trong năm 2016. Tuy nhiên trong thời gian tới, việc giữ mức tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường này như hiện nay là khó thực hiện. Chưa kể phản ứng dây chuyền, nền kinh tế của khối EU bị ảnh hưởng suy giảm sẽ dẫn đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào toàn khối EU cũng sẽ giảm.
Cần môi trường minh bạch và ổn định
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để thúc đẩy xuất khẩu tốt ra thị trường nước ngoài nói chung, cần có môi trường phát triển minh bạch và dài hạn trong nước. Trên cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nội tại thì DN mới có đủ năng lực để đầu tư, tái mở rộng sản xuất và nâng cao được năng lực xuất khẩu. Trong 6 tháng vừa qua, hiệp hội đã gửi rất nhiều kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Ngoài một số quy định kiểm tra chuyên ngành chưa hợp lý; khó khăn lớn của DN dệt may hiện nay là đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực và quản trị. Khả năng và triển vọng làm FOB, ODM rất yếu và mỏng, chủ yếu làm gia công. Khả năng tận dụng lợi thế của TPP khi hiệp định này có hiệu lực ở mức thấp. Trong 2 năm tới, dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho TPP vẫn chưa đạt được nhiều. Có những dự án được đầu tư khủng nhưng hiện đang gặp phải khó khăn lớn phải tạm dừng hoạt động để tái cơ cấu hoặc phá sản. Tuy nhiên, theo ông Giang, hiện cũng đã có những tín hiệu vui. Đó là các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư và những sản phẩm ngành dệt may Việt Nam cách đây 5 năm đang thiếu hụt, như vải cao cấp, vải len cho veston; một số phụ kiện, phụ trợ...
Với những hiệp định thương mại được ký kết, Việt Nam đã bắt đầu tạo ra những sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, trước đây chỉ Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, nay Trung Quôc bắt đầu nhập khẩu một số sản phẩm dệt may Việt Nam, như sợi, một số loại vải, phụ kiện...