Một cửa hàng Tiffany & Co.
CNBC trích báo cáo của hãng tư vấn Bain & Company cho biết thị trường hàng xa xỉ nói chung, vốn bao gồm cả hàng hóa và trải nghiệm sang trọng, sẽ tăng 5% lên khoảng 1.200 tỉ EUR, tương đương 1.400 tỉ USD, trong năm nay.
Khoảng 85% mức tăng trưởng trên có được là nhờ lớp trẻ, những người sinh từ thập niên 1980 đến thập niên 1990, và thế hệ Z, tức những người sinh từ giữa những năm 1990 đến những năm 2000. Cùng lúc, "khách hàng Đại lục am hiểu thời trang" giúp doanh số hàng xa xỉ ở nước nhà tăng vọt 15% trong năm nay. Hiện cả thị trường hàng sang trọng Trung Quốc đạt 20 tỉ USD.
Theo Bain & Company, doanh số hàng xa xỉ cá nhân đạt mức cao kỷ lục mới là 262 tỉ USD nhờ người Trung Quốc mua sắm cả trong và ngoài nước. Báo cáo nhận định sức tăng trưởng của thị trường này mạnh mẽ hơn nhờ khối lượng, chứ không phải là giá cả, gia tăng.
Doanh số bán hàng xa xỉ trực tuyến tăng 24% trong năm nay. Phụ kiện là mặt hàng bán chạy hàng đầu trên nền tảng trực tuyến. Đồ trang điểm, nữ trang và đồng hồ cũng có doanh số đi lên. Doanh số của các cửa hàng thực tế tăng 8%. Nhiều thương hiệu cao cấp đang thành công trong thị trường thường phục với áo thun, giày thể thao và áo khoác nhằm lấy lòng khách hàng trẻ.
Đơn cử, Kering, hãng sở hữu thương hiệu Gucci và Saint Laurent, báo cáo doanh thu tăng mạnh trong quý 3/2017. Đầu tháng 10, LVMH, hãng hàng xa xỉ lớn nhất thế giới với các thương hiệu Luis Vuitton, Christian Dior và Moet & Chandon Champagne cũng có doanh thu cao và tăng 12%. Thị trường hàng sang trọng được dự báo đạt 295 - 305 tỉ USD vào năm 2020.