Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Cục CNTT và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) tính từ đầu năm đến hết ngày 15-3, cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD, trong đó hầu hết là thịt gà.
Cụ thể, các loại thịt xuất xứ từ Brazil được nhập về Việt Nam từ đầu năm đến ngày 15-3 chủ yếu là: Thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với tổng trọng lượng 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD; tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD; các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.
Ảnh minh hoạ
Cũng theo đại diện Cục Thú y, đơn vị này đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cũng theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan tính từ đầu năm đến ngày 15-3, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,7% trị giá kim ngạch; đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD; chiếm tỷ trọng 23,4%; thị trường Australia đứng thứ ba với hơn 8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,4%, thị trường Brazil đứng thứ tư với tỷ trọng 6,2%...
Liên quan đến vấn đề thịt bò nhiễm bẩn ở Brazil, ngày 22-3, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hàng năm tới các nước trên thế giới.
Theo Cục Thú y, thịt và sản phẩm thịt từ Brazil nhập khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8-4-2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Theo đó các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Đặc biệt, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.
Ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil.
Đồng thời, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 485/TY-KD chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam.