Ngày 7-7 Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã tổ chức hội nghị an toàn về điện để tìm nguyên nhân và bàn biện pháp phòng chống tai nạn điện tăng.
Hành lang lưới điện bị đe dọa
Theo báo cáo của EVNSPC, trong 6 tháng đầu năm 2016, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, mưa giông, lốc xoáy đã gây ra nhiều sự cố cho lưới điện. Bên cạnh đó, do vi phạm an toàn hành lang lưới điện, nhiều vụ tai nạn điện trong dân tăng cao.
Theo Công ty Điện lực Bến Tre, trên địa bàn tỉnh, phần lớn lưới điện được lắp đặt dọc theo các tuyến đường tỉnh lộ, liên xã, liên ấp; những khu vực cây ăn trái trồng dọc đường có kích cỡ lớn và phát triển nhanh khi bị mưa gió, lốc gây ngã đổ vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
Còn theo Công ty Điện lực Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn vị trí lưới điện giao chéo với đường bộ giao thông, đường thủy. Vị trí cáp viễn thông băng đường cũng không bảo đảm khoảng cách. Tình trạng trên tiềm ẩn rủi ro cho lưới điện.
Địa bàn của Điện lực Đồng Nai quản lý nằm trên khu vực huyết mạch giao thông, lưu lượng xe khu vực này tăng cao, nhất là xe cơ giới đang thi công nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ 20, Quốc lộ 1. Nhiều khu công nghiệp cũng đang xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng để xảy ra tình trạng các loại xe cơ giới vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế, có nguy cơ cao gây ra các sự cố về điện. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Đồng Nai có 27 vụ phương tiện xe cơ giới vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao và trung thế.
Cùng với các vụ vi phạm tại nạn an toàn lưới điện, các tai nạn điện khác cũng diễn ra khá phổ biến. “Tai nạn điện ngoài dân chủ yếu xảy ra trên lưới điện do khách hàng quản lý như dây dẫn sau điện kế, sử dụng và sửa chữa thiết bị điện trong sinh hoạt, sản xuất” ông Nguyễn Văn Tư - Phó GĐ Công ty Điện lực Đồng Tháp nói, đồng thời cho biết trong năm 2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 24 vụ tai nạn điện trong dân làm 20 người chết và 5 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu do các hộ dân sử dụng môtơ điện bị chạm, chập (10 vụ), dây dẫn phía sau điện kế không an toàn (8 vụ) và bất cẩn trong sử dụng điện (5 vụ)…
Theo báo cáo, tính đến cuối tháng 6-2016, toàn tổng công ty tồn tại 8.620 vị trí nguy hiểm trên lưới điện. Trong đó, các đơn vị còn tồn tại với số lượng lớn như: PC Kiên Giang (1.695 vị trí), PC Tiền Giang (1.222 vị trí), PC Lâm Đồng (854 vị trí), PC Vĩnh Long (707 vị trí)...
Tích cực phòng tránh
Ông Dương Văn Vị - Trưởng Ban An toàn EVN SPC, cho biết các đơn vị trực thuộc EVN SPC đã triển khai thực hiện chương trình giảm sự cố lưới điện và củng cố hành lang an toàn lưới điện cao áp bằng nhiều giải pháp như thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; phân công nhân viên quản lý và kiểm tra hành lang lưới điện; phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý triệt để biển hiệu và biển quảng cáo, ăng-ten tivi… có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện, vận động người dân chặt tỉa cây xanh ngoài hành lang; tuyên truyền về an toàn điện và bảo vệ công trình lưới điện cao áp... Song song đó, các đơn vị thành viên đã thực hiện tổng kiểm tra lưới điện; tổ chức xử lý, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các vị trí xung yếu.
Đặt biệt, ngay khi xảy ra sự vụ do vi phạm HLATLĐCA, các đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương điều tra, lập biên bản và xử phạt theo quy định; đồng thời điện lực đã có văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tuyên truyền cụ thể các vụ sự cố trên.
Tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh sự cố điện, trong 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị thuộc EVNSPC đã xử lý được 4.177/12.232 vị trí nguy hiểm trên lưới điện, đạt 34% kế hoạch giao. Trong đó, có 2 đơn vị đã xử lý hoàn tất vị trí nguy hiểm, đạt 100% kết hoạch giao là PC Bến Tre và PC Đồng Tháp; 5 đơn vị thực hiện trên 50% (PC Bà Rịa - Vũng Tàu, PC Bạc Liêu, PC Bình Dương, PC Long An và PC Cần Thơ.
Các biện pháp quan trọng khác là tập trung nhân lực phát quang và dọn dẹp hành lang lưới điện; khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các vị trí xung yếu như các cột điện ở triền dốc, bờ sông...). Điện lực các địa phương cũng đã triển khai rà soát, kiểm tra và nâng cao độ võng đối với các vị trí vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ... nhằm bảo đảm lưới điện an toàn trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp kỹ thuật củng cố lưới điện, như nâng cao các đường dây 110 KV đi qua khu vực trồng cây cao su; bọc hóa lưới điện trung áp đi qua khu vực có nhiều cây xanh, khu vực đông dân cư.
Chung tay bảo vệ lưới điện
Cùng với vận động sử dụng điện tiết kiệm, EVNSPC kêu gọi người dân nâng cao nhận thức sử dụng điện an toàn, chung tay bảo vệ lưới điện. Theo EVNSPC, hiện nay, tại các địa phương vẫn còn tình trạng người dân vô tư thả diều, bong bóng, kim tuyến; lắp đặt ăng-ten, giàn giáo, biển hiệu, xây dựng, cải tạo nhà, công trình, đốt cỏ, thi công cáp quang ảnh hưởng đến hành lang lưới điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện.