Phóng viên: Xin ông cho biết rõ hơn về chiến lược đầu tư “kiềng 3 chân” tại Việt Nam?
- Ông Dong Won Kwak: Ngành công nghiệp điện ảnh muốn phát triển mạnh mẽ cần được đầu tư phát triển đồng bộ trên cả 3 yếu tố: Một là, đầu tư cơ sở hạ tầng mang tiêu chuẩn quốc tế; hai là, đầu tư vào việc đa dạng hóa các thể loại phim; ba là, đầu tư vào nhân lực liên quan tới nội dung phim và vận hành rạp. Đây cũng là 3 mảng mà CGV đang ưu tiên đầu tư tại Việt Nam để tạo ra những bước đi vững chắc.
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã đầu tư nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện nay, CGV đã đầu tư hơn 120 triệu USD vào việc xây dựng hơn 210 phòng chiếu tại 11 tỉnh, thành. Ngoài các số liệu kể trên, CGV còn đầu tư thêm rất nhiều kinh phí vào việc phát triển nhân lực cũng như đa dạng hóa các thể loại phim.
Ông Dong Won Kwak - Tổng Giám đốc CJ CGV Việt Nam - nhận định thị trường điện ảnh Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển Ảnh: THIÊN Ý
Vì sao CGV lại mạo hiểm đầu tư gấp 4-5 lần so với lợi nhuận có được tại thị trường Việt Nam?
- Khi đầu tư ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều quan tâm đến tính hiệu quả. Phải đầu tư trước thì mới thấy được sự phát triển của thị trường điện ảnh. Bên cạnh các công nghệ hiện có như IMAX, Dolby Atmos, 4DX… ngày 1-7, chúng tôi sẽ khai trương cụm rạp CGV Aeon Bình Tân với phòng chiếu Starium laser đầu tiên tại Việt Nam, được trang bị màn chiếu với kích thước cực đại để hỗ trợ trình chiếu các phim chất lượng cao của Hollywood và phim Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nhà làm phim trẻ Việt Nam có dịp học hỏi và thử sức với những công nghệ mới.
Từ năm 2012, chúng tôi tổ chức lớp học làm phim Toto thường niên dành cho các tài năng làm phim trẻ. Các phòng chiếu phim nghệ thuật CGV Art House đã hỗ trợ giới thiệu nhiều bộ phim nghệ thuật, kén khán giả như: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, “Đập cánh giữa không trung”...
CGV cũng đồng hành cùng Cục Điện ảnh tài trợ cho Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội và Liên hoan Phim Việt Nam… Chúng tôi cũng xây dựng trung tâm đào tạo nội bộ nhằm đào tạo kỹ năng chuyên ngành cho các nhân viên CGV theo chuẩn quốc tế.
Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư gấp 4-5 lần so với lợi nhuận thu được tại đây.
Đầu tư xây rạp ở những tỉnh, thành xa có nằm trong chiến lược của CGV?
- Việc xây dựng rạp ở những tỉnh xa là một quyết định mạo hiểm, tới nay chỉ có CGV dám đầu tư vì việc thu hồi vốn kéo dài và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là hoạt động trọng tâm của CGV nhằm góp phần phát triển điện ảnh Việt Nam. Thị hiếu của khán giả ở những khu vực này đa số là thích phim Việt. Do vậy, càng nhiều rạp được xây dựng ở đây thì sẽ giới thiệu được càng nhiều phim Việt đến khán giả. Tới thời điểm này, CGV đã xây dựng được 14 rạp ở các tỉnh như: Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ninh…
CGV đã và đang đồng hành cùng phim Việt như thế nào?
- Chúng tôi luôn ưu tiên và dành các suất chiếu tốt nhất cho phim Việt Nam. Điển hình như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chiếu liên tục tại cụm rạp CGV đến 81 ngày, tổng số suất chiếu là 7.683, tổng số ghế là 1.184.488; phim “49 ngày” được chiếu liên tục 89 ngày với số suất chiếu là 8.775; tổng số ghế là 1.310.546. Bộ phim không có doanh thu cao do BHD phát hành là phim “Quyên” cũng được chiếu liên tục trong 27 ngày với số suất chiếu là 833, tổng số ghế là 95.564...
Với những hoạt động đóng góp tích cực cho điện ảnh Việt Nam kể trên, chúng tôi nghĩ rằng thị trường Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các doanh nghiệp Việt nên dành nguồn lực của mình để đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đa dạng hóa chất lượng và thể loại phim, phát triển tài năng trẻ… để cùng đóng góp chung cho thị trường điện ảnh Việt Nam.