Cá quả Trung Quốc tiêm thuốc gây mê
Trước đây, cá quả Trung Quốc tràn ngập tại các chợ Việt Nam. Giống cá này to, màu đen, giá lại rất rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, ngay sau đó, theo một số bà nội trợ đã chia sẻ trên các diễn đàn rằng loại cá quả Trung Quốc bị tiêm thuốc mê nên lúc nào nó cũng lờ đờ chứ không nhanh nhẹn và khỏe như cá quả trong nước. Khi mổ, cá Trung Quốc rất béo, bụng có nhiều mỡ, thịt không chắc và thơm dẻo như cá Việt Nam.
Cá quả Trung Quốc được cho là có màu đen xì, bơi yếu ớt và ăn không ngon.
Cá tầm Trung Quốc nhập lậu tồn dư kháng sinh
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, tình trạng thương nhân Trung Quốc bắt tay với một số cơ sở chăn nuôi khu vực biên giới đưa cá tầm Trung Quốc vào Việt Nam để "rửa" thành cá tầm trong nước, đưa vào nội địa tiêu thụ. Cụ thể, một cơ sở nuôi cá tầm tại Tam Đường (Lai Châu) đóng "vai trò" là trạm trung chuyển để "rửa" nguồn gốc cá tầm nhập lậu. Thậm chí, tại các cơ sở nuôi cá này có cả kỹ sư người Trung Quốc. Điều đáng nói là nạn cá lậu từ Trung Quốc phát triển rất nhanh, khiến ngay cả lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng tỏ ra quan ngại về khả năng tồn dư chất kích thích, tăng trọng.
Cá tầm Trung Quốc bán nhiều tại các chợ.
Cá trê Trung Quốc giống chứa thuốc kích thích tăng trọng
Theo lực lượng chức năng Hà Nội, có khoảng 10 đường dây buôn cá lậu từ Trung Quốc về Hà Nội đã lọt vào "tầm ngắm" của cơ quan công an. Không chỉ cá trưởng thành, những đường dây buôn cá trê, cá quả giống đang dần lộ diện. Theo cơ quan công an, dân buôn cá trê giống cho hay, loài cá này rất phàm ăn, lớn nhanh. Cá trê Trung Quốc nuôi 3 tháng trọng lượng có thể đạt 1,5kg, nuôi 1 năm trọng lượng khoảng 6 - 7kg.
Trước tình trạng cá quả, cá trê hay cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc và bán tại Việt Nam được dân phản ánh là có tiêm hóa chất, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cũng đã lấy mẫu cá xét nghiệm và công bố kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm cá tầm được cho là nhập lậu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, đã phát hiện 4 mẫu trong đó 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm hóa chất cấm Leuco Malachite Green và 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh cấm AOZ.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đây là 2 loại hóa chất và kháng sinh đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ năm 2007. Do những tác hại của chúng có thể gây ra đối với con người nếu ăn nhiều cá như gây nhờn kháng sinh, các bệnh về gan, thận và bệnh nan y nên từ trước năm 2007, đã yêu cầu cấm và loại chúng ra khỏi danh mục được phép sử dụng.