Theo số liệu của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam (không kể TP HCM) đã xảy ra hơn 10 vụ tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp và hàng trăm vụ tai nạn điện sinh hoạt ở hộ dân. EVNSPC đã lên tiếng báo động về tình trạng tai nạn điện trong nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão.
Bất cẩn dẫn đến tai nạn điện
Theo báo cáo của EVNSPC, từ đầu năm đến nay, tại Cà Mau xảy ra 17 vụ tai nạn điện gây chết người. Số vụ tai nạn điện xảy ra ở Bạc Liêu là 4 vụ, làm 3 người chết và hàng chục người bị thương. Còn tại Đồng Tháp, trong 2 năm qua, xảy ra 24 vụ tai nạn điện làm 20 người chết và 5 người bị thương.
Các vụ tai nạn điện liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Mới đây, ngày 23-10, một vụ tai nạn điện xảy ra ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Tai nạn xảy ra khi 2 công nhân của Chi nhánh Công ty CP Việt - Úc (Bạc Liêu) trong quá trình làm vệ sinh ao nuôi tôm quên tắt cầu dao tổng nên bị điện giật. Hậu quả, 1 người chết, 1 người bị thương.
Trước đó, chiều 26-9, một nhóm 6 công nhân của Công ty Quảng cáo SIMBA đưa tấm bảng hiệu lớn có khung sắt lên cao để gắn phía trước ngôi nhà số 208 Bà Triệu, phường 3, TP Bạc Liêu. Do vô ý, các công nhân làm trầy xước dây cáp chính cung cấp điện cho ngôi nhà, dẫn đến hậu quả là cả 6 người trong lúc làm việc đều bị điện giật, trong đó 1 người tử vong, 5 người phỏng điện phải nhập viện cấp cứu. Vụ tai nạn kinh hoàng này đã làm chủ nhà hoảng sợ, 20 ngày sau, họ mới thuê công ty khác gắn lại bảng hiệu.
Ở TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp… cũng có nhiều cái chết thương tâm khi chủ quan, sử dụng điện bừa bãi như dựng ăng-ten tivi, xây cơi nới nhà cửa gần đường dây điện, dùng điện để bơm nước, bẫy chuột, chích cá... Đặc biệt là việc câu đuôi điện sau đồng hồ, (còn gọi là “chia hơi”) của nhiều hộ dân vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này làm cho đường dây điện quá tải, thậm chí gây cháy nổ công-tơ dẫn đến tai nạn thương tâm.
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Theo ông Trần Quyền Dự, Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn điện là do ý thức của người dân chưa cao. Nhiều người dù biết điện giật nguy hiểm đến tính mạng nhưng rất chủ quan, bất cẩn. Phổ biến là tình trạng “chia hơi” đồng hồ điện ở các khu dân cư chiếm tỉ lệ khá lớn nhưng việc câu mắc không đúng kỹ thuật. Cùng với đó, người nuôi tôm, sản xuất nông nghiệp kéo điện vô tội vạ, giăng mắc tràn lan dây điện vào các cây gỗ hoặc tấm lưới B40 cũng như sử dụng dây kéo điện không đúng tiêu chuẩn, bong tróc, rò rỉ điện. Trong quá trình thi công, nhiều gia đình cũng bất cẩn hoặc vi phạm hành lang an toàn lưới điện dẫn đến các sự cố điện đáng tiếc. Theo ông Dự, mỗi vụ tai nạn điện xảy ra, dù nặng hay nhẹ đều để lại những nỗi đau rất lớn cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Trong thời gian qua, EVNSPC và các đơn vị thành viên thường xuyên kiểm tra, khảo sát các đường dây, trạm biến thế ở khu dân cư, nhất là các vùng nông thôn, nuôi trồng thủy sản... Đồng thời, EVNSPC chỉ đạo công ty điện lực các tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền các quy tắc an toàn sử dụng điện.
Điện lực các tỉnh còn phối hợp với đài truyền hình địa phương để tuyên truyền phổ biến các kiến thức về sử dụng điện an toàn, nâng cao nhận thức của người dân về cách sử dụng điện, góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn điện đáng tiếc làm tổn thất con người và tài sản của người dân; như tại Bạc Liêu, tất cả hộ sử dụng điện đều được cung cấp cẩm nang “An toàn tiết kiệm điện”.
Xóa bỏ tình trạng “chia hơi” đồng hồ
Theo ông Trần Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, sở này đang triển khai dự án cấp điện cho vùng nông thôn theo Chương trình 2081 của Thủ tướng Chính phủ về phủ điện đến tất cả hộ gia đình đến năm 2018. “Mục tiêu đặt ra là cấp đủ điện cho dân và xóa bỏ tình trạng “chia hơi”, kéo điện không an toàn đến các vùng sản xuất làm ảnh hưởng đến an toàn điện” - ông Tuyên nhấn mạnh.