Là chủ của một hãng spa cung cấp dịch vụ cho phái đẹp, chị Quỳnh dường như không có ngày nghỉ. Để mua sắm thiết yếu cho gia đình mình, thay vì đi đến các siêu thị chọn lựa, chị chọn cách mua sắm trên mạng. Sức hút của mua sắm online còn đến từ các chương trình khuyến mãi giảm giá 50% thậm chí 70%.
(Ảnh minh hoạ)
Khảo sát cho thấy 3 hoạt động tiêu khiển hàng đầu với người dùng trực tuyến: 60% mua sắm trên mạng, 46% tìm kiếm sản phẩm, dịch vụ, 36% gặp gỡ bạn bè gia đình. Điều này có 3 nguyên nhân chính tiết kiệm thời gian với 62% ý kiến người khảo sát, tiện lợi ở mức 55%, 46% người là vì giá cả rẻ.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều mạng xã hội thậm chí còn tìm hiểu thói quen tiêu dùng, hiển thị thông tin người dùng và tương tác trực tiếp. Khảo sát thói quen của một mạng xã hội cho thấy người dùng thói quen khá phổ biến: 7h thức dậy lướt web, xem khoảnh khắc; 7h45 rời nhà đọc báo, giải trí; 8h đi văn phòng trả tiền ăn sáng với ví điện tử; 9h làm việc sử dụng group chat; 10h Nghỉ giải lao Gửi và nhận tin nhắn, chia sẻ khoảnh khắc; 12h ăn trưa thanh toán bằng ví điện tử; 12h45 nghỉ trưa mua sắm nhắn tin; 17h tan ca xem nhật ký; 18h Về nhà.
"Khi người dùng tương tác 1-1 người dùng sẽ cảm thấy đầu tiên là hài lòng hơn vì cảm giác người ta được tư vấn và người dùng sẽ có quyết định mua hàng nhanh hơn", chị Hà My, phụ trách marketing Zalo cho biết.
Theo Criteo, năm 2016 doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 1 tỉ USD và dự báo ngành ngày sẽ tăng trưởng 30% mỗi năm và sẽ tăng gấp 10 lần vào năm 2020 với hơn 10 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến.
"Tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam năm 2017 là 50,5% dân số. Cùng với đó, 44% hộ gia đình tại Việt Nam đều có điện thoại thông minh. Nhìn vào hai dữ liệu này, tôi cho rằng điện thoại thông minh là phương tiện hàng đầu để các gia đình tại Việt Nam tiếp cận internet. Như vậy, có một cơ hội rất lớn cho thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là thương mại điện tử trên di động", ông Joshua Koh - Giám đốc Điều hành Khu vực Bán hàng Trung cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Criteo nhận xét.
Một số liệu khác của Nielsen công bố tại diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF) 2017 thậm chí còn đánh giá lạc quan hơn khi cho biết thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 đã đạt tới mốc 4 tỷ USD. Theo hãng nghiên cứu này, 45% dân số Việt Nam hiện nay đã tiếp cận với Internet. Đáng chú ý là tỷ lệ dân số tiếp cận Internet tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh còn cao hơn rất nhiều. Điều này tạo điều kiện phát triển cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.
Báo cáo từ Nielsen dẫn kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng thị trường hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tính đến năm 2016, đã có tới 32% doanh nghiệp thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Trong khi đó, 11% doanh nghiệp chọn tham gia các sàn thương mại điện tử và hoạt động website.