Bộ Tài chính Malaysia đã phê duyệt việc xóa bỏ 6% thuế hàng hóa và dịch vụ (GST), tương tự VAT tại Việt Nam, kể từ 1-6. Đây là động thái cho thấy cam kết của chính quyền thủ tướng mới đắc cử Mahathir Mohamad (92 tuổi). Trước đó, liên minh đảng Pakatan Harapan của ông Mahathir đã nhắc đến chính sách bỏ thuế trong chiến dịch tranh cử. Hàng hoá sẽ không chịu thuế giá trị gia tăng, cho đến khi cấu trúc thuế mới được công bố thời gian tới.
Các hãng xe ngay lập tức nắm bắt sự thay đổi này để áp dụng giá mới cho các sản phẩm. Trên phương tiện truyền thông của Malaysia, nhiều hãng đồng loạt công bố giá mới, với mức giảm đáng kể so với giá cũ. Toyota áp dụng giá mới đối với toàn bộ dòng xe, giảm từ 1.000 USD đến hơn 7.600 USD. Toyota Vios có giá từ 17.806 USD đến 22.317 USD (khoảng 400 đến 500 triệu đồng).
Proton Saga dòng xe nội địa của Malaysia có giá từ khoảng 8.400 USD. Ảnh: Carsifu.
Không chỉ những dòng xe phổ thông, các hãng xe sang tại Malaysia cũng áp dụng giá bán mới. Volvo, Jaguar Land Rover, Maserati… đều công bố giá giảm. Mẫu Ranger Rover Sport 3.0 tại đây giảm giá đến hơn 12.200 USD (hơn 270 triệu đồng). Thậm chí, BMW còn giảm giá dòng xe i6, X6 M đến gần 18.000 USD (khoảng hơn 400 triệu đồng).
So với mặt bằng giá xe tại Malaysia, hầu hết các dòng xe đang bán từ phổ thông đến cao cấp đều có giá thấp hơn xe tại Việt Nam. Ngoài ra, quốc gia này còn có thương hiệu xe riêng là Proton và Perodua, với giá bán thấp hơn nhiều so với những hãng xe Nhật Bản, châu Âu trong cùng phân khúc.
Sau khi áp dụng thuế mới, giá bán của hãng xe nội địa Proton, vốn đã rẻ, giờ còn hấp dẫn hơn. Dòng xe Proton Saga 1.3 MT, giá bán mới chỉ gần 8.400 USD (khoảng 190 triệu đồng). Mẫu xe nội địa rẻ nhất của Malaysia lúc này là Perodua Axia, giá từ 6.000 USD (khoảng 137 triệu đồng), trong khi tại Việt Nam, để mua một chiếc xe mới, giá rẻ nhất người dùng cũng tốn khoảng 300 triệu đồng, chưa kể các loại thuế phí khác.
Dòng xe giá rẻ nội địa Perodua Axia của Malaysia. Ảnh: Drivesafe. |
Thuế hàng hoá và dịch vụ tại Malaysia trước đây tính 6%, trong khi thuế tương tự tại Việt Nam là Giá trị gia tăng (VAT) đang chịu 10%. Bên cạnh VAT, ôtô ở Việt Nam còn chịu thêm thuế TTĐB và các loại thuế, phí khác.