Ngày 30-12-2020, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Văn Phòng Chính phủ đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai cung cấp các giải pháp thanh toán trực tuyến dịch vụ công. Với thỏa thuận này, TPBank trở thành một trong 4 ngân hàng tư nhân có khả năng giúp khách hàng của mình tiết kiệm thời gian, công sức và mang lại sự thuận tiện khi thanh toán các khoản phí dịch vụ công hoặc nộp phạt hành chính.
Theo thỏa thuận, khách hàng của TPBank có thể dễ dàng thực hiện nộp thuế, thanh toán các khoản phí dịch vụ công như bảo hiểm, y tế, giáo dục hoặc nộp phạt vi phạm hành chính từ tài khoản eBank khi đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Ông Phạm Đông Anh, Phó Tổng giám đốc TPBank (ngoài cùng bên phải) tại sự kiện
Việc kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia là bước đi nhằm mở rộng thêm mạng lưới kết nối giữa TPBank với các cơ quan quản lý Nhà nước. Trước đó, TPBank đã kết nối thành công với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế nội địa điện tử, thuế xuất nhập khẩu và thuế trước bạ trên ứng dụng eBank Biz và quầy giao dịch của TPBank.
"Chúng tôi đang quyết liệt triển khai đồng bộ hóa, kết nối với các Bộ ngành để khách hàng có thể dễ dàng thanh toán các khoản lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua TPBank. Dự kiến đầu năm 2021, TPBank sẽ đưa dự án vào ứng dụng thực tế, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng các tiện ích xã hội," ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết.
Việc TPBank là một trong số ít ngân hàng có khả năng mang lại lợi ích cho khách hàng, thông qua sự kết nối trực tuyến rộng rãi với các hệ thống dịch vụ công của Nhà nước, là một minh chứng về vị thế đi đầu trong ứng dụng công nghệ của ngân hàng nhằm nâng cao trải nghiệm cũng như giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận, sử dụng nhiều dịch vụ trong cuộc sống nhanh nhất và đơn giản nhất.
Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ công qua Cổng dịch vụ công quốc gia, thúc đẩy chiến lược thanh toán không tiền mặt của Chính phủ, TPBank sẽ miễn phí đối với các giao dịch thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tới hết năm 2021, đồng thời thường xuyên rà soát, đối chiếu dữ liệu thanh toán với Cổng dịch vụ công quốc gia và các bộ ngành địa phương nhằm phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong thời gian ngắn nhất.