Lúc này, sen Hồ Tây đã ngả tàn, nhưng với không ít người thì đây mới là thời điểm thích hợp để thưởng thức, bởi rất khó có thể cảm nhận hết vẻ yêu kiều quyến rũ của loài hoa đặc biệt ấy trong cái ồn ào, đôi khi đến nhộn nhạo lúc chính mùa.
Một góc chợ sen Đầm Trị - Ảnh: Mỹ An
Lên tận hồ cũng khó mua sen "xịn"
Mấy năm gần đây, cùng với sự xuất hiện của những dự án bất động sản ven hồ, cùng với sự ô nhiễm nặng của Hồ Tây thì diện tích trồng sen cũng dần bị thu hẹp đáng kể.
Tính cả những đầm rất nhỏ thì hiện nay số đầm trồng sen Hồ Tây cũng có thể đếm được trên đầu ngón tay, tập trung ở khu vực Công viên nước và gần Phủ Tây Hồ.
Được bạn bè coi là "ngáo sen", người viết bài này hồi hộp dõi theo từ lúc những mầm lá nhỏ nhoi đầu tiên bắt đầu xoè trên mặt nước. Và ngỡ ngàng khi năm nay mùa sen đến sớm.
Mọi năm, thường phải trung tuần tháng 5 dương lịch thì những bông sen Hồ Tây đầu tiên mới nở, và rộ sau đó chừng một tháng.
Thế nên, thật bất ngờ khi qua hồ Tây vào giữa tháng Tư đã thấy những nụ sen sắp nở ở một góc đầm cạnh Công viên nước. Ông chủ đầm giải thích, do bóng đèn cao áp chiếu suốt đêm nên cây sen "nhầm" đêm thành ngày, sinh trưởng nhanh hơn hẳn các chỗ khác, dù trên cùng một đầm.
Vì thế, tuần cuối cùng của tháng Tư, thị trường sen Hồ Tây đã chính thức được khởi động, khi sản lượng của cả vài đầm nở sớm cũng chỉ khoảng dăm chục tới trên trăm bông mỗi ngày.
Dăm năm trước, khi Đầm Trị (sát Phủ Tây Hồ) và đầm Thuỷ Sứ (sát đình Quảng Bá) - hai địa chỉ được những người làm nghề ướp trà sen truyền thống đánh giá cao nhất về chất lượng sen - chưa mất mùa sen thì những đầm sen nhỏ quanh Công viên nước thường được nhắc đến như những địa chỉ sống ảo với sen hơn là nguyên liệu để ướp trà.
Năm ngoái, năm kia, Thuỷ sứ đến một cây sen cũng không còn, Đầm Trị thì lác đác vài bông không thể thành hàng hoá, dân chơi sen và làm trà nghiệp dư ùn ùn đổ về những đầm phía Khách sạn Công đoàn và công viên nước, nơi có những đầm sen nhỏ hơn và ít nổi tiếng hơn.
Cũng từ vài năm nay, sen Bách Diệp (trăm cánh) vốn tưởng chỉ hợp với thổ nhưỡng hồ Tây đã được nhân giống thành công ở một số đầm ven đô, khiến cho người mua dù cất công dậy thật sớm, lên tận hồ "rình rập" vẫn khó có thể mua được sen Hồ Tây xịn. Vì với người không sành về sen, cả hương và sắc của sen ngoại thành đều không khác gì sen được trồng trên chính Hồ Tây, thậm chí có phần còn trội hơn.
Vì thế, khách qua đường khó mà biết rằng trời còn chưa sáng, những chiếc xe bán tải và cả đội quân xe máy hùng hậu đã chở sen từ ngoại thành về những điểm bán ven Hồ Tây, rồi sau đó được bán với giá gần bằng hoặc bằng sen Hồ Tây xịn.
Tinh vi hơn, có chủ đầm xếp sen "giả" xuống một thuyền, sau đó người hái sen chèo thuyền đi hái sen Hồ Tây chính hiệu, và người mua sẽ nhận được cả hai loại, đồng giá.
Với người mua sen để làm trà, nếu không đủ độ thân thiết, cẩn thận gọi điện đặt hàng từ hôm trước thì cũng rất có thể hôm sau nhận được sản phẩm xuất xứ không phải Hồ Tây.
Thế nên, chơi sen, làm trà sen cũng thật lắm công phu.
Giá nào cũng vẫn đắt như tôm tươi
Khi thật - giả khó phân như vậy, sen Hồ Tây lại càng đắt khách.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi sen Đầm Trị mới đang lên lác đác, đầm sen sau khách sạn Công Đoàn cũng còi cọc vì nước cạn trơ cả đất thì những đầm khu vực công viên nước khách chụp ảnh, khách mua sen chen chân mỗi sáng sớm. Ngày đẹp trời, số lượng người có mặt ở khu vực này lên tới cả ngàn, và ai cũng có nhu cầu mua sen.
Dù là khách hàng quen nhiều năm, dù đã gọi điện đặt hàng hay năn nỉ để được đặt tiền từ hôm trước rồi thì người mua vẫn cứ phải đích thân lên Hồ từ tờ mờ sáng. Để khi những thuyền sen cập bến có thể nhận hàng ngay. Vì trong cảnh dăm người bán, vạn người mua (cả người chụp ảnh, người chơi hoa sen, người ướp trà sen) mà sản lượng hoa lại có hạn, đầm nhiều nhất cũng chỉ được khoảng một ngàn bông khi rộ, đầm nhỏ chỉ được vài trăm bông mỗi ngày thì khó có chủ đầm nào dành hoa lại chờ người mua đến theo hẹn. Lại càng không có chuyện người có nhu cầu cứ ung dung ngồi nhà, nhấc điện thoại hay mở Facebook đặt ship luôn đến nhà như những mặt hàng khác trên thị trường.
Hiếm, nên đắt là tất nhiên. Đầu mùa, mỗi bông sen có giá 15 ngàn vẫn bán chạy vù vù, chỉ cần lên muộn chút (tầm hơn 6h) đã có thể không còn bông nào để mua, có lúc có nơi lên đến 20 ngàn/bông nhưng vẫn thường xuyên "cháy" hàng. Chính vụ, một số đầm giảm xuống 12 ngàn/bông, và người mua vẫn phải nhìn nhau, hôm nay đã có thì mai "nhường" người khác.
Tất nhiên, đắt xắt ra miếng. Sen Hồ Tây xịn nếu được bảo quản tốt, cắm đúng cách sẽ nở thật rực rỡ, rất thơm. Với các bà, các chị chăm đi Chùa thì hoa sen còn có ý nghĩa cao hơn sự thưởng thức.
Còn trà sen Hồ Tây đã nổi tiếng cả trăm năm nay, như một đặc sản riêng có của miền Bắc, của Thủ đô Hà Nội, thưởng thức một lần là không thể nào quên.
Vì thế, người chơi sen không ngần ngại bỏ ra số tiền gấp đôi, thậm chí là gấp ba gấp bốn để rinh được chục sen chuẩn Tây Hồ về nhà, nhất là khi có việc hỷ, có khách quý.
Người thích trà sen cũng muốn được chọn loại trà mình nghiền để tự tay ủ vào những bông sen mới hé, không chỉ cho mình mà còn tặng người thân, bạn bè. Thế nên, họ ít khi mặc cả, họ cũng chẳng ngại dậy sớm. Và đôi khi cái sự chật vật trong việc mua được những đoá sen chuẩn Hồ Tây của họ lại kích thích những người chơi sen, mê sen khác, làm cho thị trường sen Hồ Tây càng thêm nhộn nhịp.
Nửa cuối tháng 6, khi sen Đầm Trị bắt đầu được thu hoạch trở lại sau mấy năm mất mùa thì thị trường sen có đôi chút hạ nhiệt.
Giá hoa sen ở đây cũng mềm hơn (dao động từ 8- 10 ngàn đồng/bông) nhưng để mua được đều đều khoảng trăm bông mỗi ngày cũng phải là những người có mối quan hệ khá thân thiết với chủ đầm hoặc những người được chủ đầm thuê chèo thuyền hái sen mỗi sáng.
Nhưng đôi khi, vì lượng người mua quá đông, hay gặp đúng hôm ông chủ đầm khó ở, sự cãi cọ cũng xảy ra với những lời lẽ ngược hẳn với sự nhã của sen. Song không phải vì thế mà "chợ" hôm sau không đông, vì sen Hồ Tây xịn vẫn luôn là của hiếm.