Ở điểm giải cứu ở khu vực Tam Trinh, gà đồi Hải Dương nguyên lông được bán với giá 55.000 đồng/kg. Còn ở phố Phạm Hùng, gà đồi được làm thịt sẵn có giá bán khoảng 95.000 - 105.000 đồng/kg.
Người dân Thủ đô đổ xô đi mua gà giải cứu trên đường Tam Trinh (Hà Nội). Ảnh: Phi Hùng.
Anh Đặng Đình Mạnh, trưởng nhóm giải cứu nông sản Hải Dương ở phố Phạm Hùng, chia sẻ, nhóm anh đã tiêu thụ giúp bà con nông dân được hơn 500 con gà các loại. Toàn bộ gà đều được làm thịt sẵn, ướp đá, bỏ thùng xốp mang lên Hà Nội.
"Giải cứu gà không giống như rau củ quả bởi khi vận chuyển nếu không cẩn thận sẽ gặp nhiều sự cố. Vì thế, nhóm tôi chọn cách làm thịt gà sẵn, vừa tiện lợi cho người mua, vừa đảm bảo vệ sinh khi bày bán", anh nói.
Một điểm bán gà giải cứu trên phố Phạm Hùng (Hà Nội).
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, thông tin, hiện trên toàn tỉnh còn 2 triệu con gà đến kỳ xuất bán, trong đó tập trung nhiều nhất là ở TP Chí Linh.
Ông Quân cho biết, từ khi Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, việc đi lại của các thương lái gặp nhiều khó khăn. Người dân gần như không tiêu thụ được gà. Số gà quá lứa tăng cao. Để hỗ trợ cho nông dân, Sở đã tổ chức, nhiều đợt kết nối các doanh nghiệp, thương lái đến thu mua.
"Đáng lẽ ra, gà nuôi đến tháng thứ 4, thứ 5 có thể mang ra xuất bán nhưng giờ không tiêu thụ được thì vẫn phải nuôi tiếp. Mà gà càng lớn thì sức ăn càng tăng nhưng độ phát triển lại chậm dần, đồng nghĩa với việc người dân phải bỏ ra số tiền lớn để mua thức ăn chăn nuôi trong khi gà thì chưa bán được" - ông Quân nói.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện còn 2 triệu con gà đến kỳ xuất bán.
Không ít người nuôi gà tại Hải Dương vẫn "đứng ngồi không yên". Theo lời ông Lê Văn Trường ở xã Tân An, huyện Thanh Hà (Hải Dương), gần 1 tháng nay, vợ chồng ông mất ăn mất ngủ khi đàn gà đến lứa không thể xuất bán. Năm nay, ông nuôi hơn 1.000 con gà để bán Tết Nguyên đán nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng tiêu thụ cực chậm. Hiện nhà ông vẫn còn hơn 700 con gà ri quá lứa ở trang trại.
"700 con gà ri là cả gia tài của nhà tôi, 4 miệng ăn đều trông chờ vào đấy. Nhưng giờ bán không bán được, rao không ai mua. Đau đớn lắm, khổ lắm nhưng biết làm sao bây giờ" - ông nghẹn ngào nói.
Gà được sơ chế sạch, thịt sẵn, ướp đá.
Theo ông Trường, nếu không có dịch Covid-19, ông sẽ xuất bán thuận lợi 1.000 con gà ri trên. Nguồn thu này sẽ giúp ông trả hết 200 triệu đồng vay mượn người thân để chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình ông có thêm đồng ra đồng vào cho con đi học và sửa sang nhà cửa. Nhưng hiện giờ, đàn gà lại trở thành gánh nặng với gia đình ông. Mỗi ngày, chưa tính tiền công chăm sóc, điện nước, ông lỗ khoảng 1 - 1,2 triệu đồng.
"700 con gà mỗi ngày ăn hết 5 - 6 bao cám, mỗi bao là 200.000 đồng. Đặc biệt, nuôi gà là phải cho ăn đều đặn chứ không chúng sẽ đánh, mổ nhau chết. Vậy nên tôi nào dám bỏ mặc chúng" - ông kể. Ngoài chi phí thức ăn, ông cho biết riêng tiền gà giống mua vào đã 12.000 - 13.000 đồng/con. Trong khi đó, giá gà bán ra hiện giảm sâu, chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá gà tại Hải Dương hiện giảm sâu, chỉ còn 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Tương tự, ông Phạm Đức Nam ở xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho hay, nhà ông hiện vẫn còn hơn 3.000 con gà ri chưa thể tiêu thụ.
Ngày trước, đầu mối bán gà chính của nhà ông là ở Đông Triều (Quảng Ninh), nhưng từ khi 2 vùng bùng phát dịch Covid-19 thì không có thương lái đến thu mua. Đồng nghĩa với việc, toàn bộ số gà nhà ông đều phải nằm lại trang trại chờ giải cứu.
"Để vớt vát tình hình, tôi phải mang ra chợ bán lẻ từng con, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu, bởi giá bán lẻ là 65.000 đồng/kg, bán buôn trên 20 con là 60.000 đồng/kg" - ông Nam chia sẻ.