Thứ Sáu vừa rồi, anh Lê Dũng (quận 5, TP HCM) nhận được cuộc gọi từ một số lạ. "Anh đã trúng thưởng ngẫu nhiên trong đợt quay số của công ty em, giải thưởng là 5 triệu đồng. Công ty em đang trong đợt hợp tác cùng công ty điện thoại Samsung nên hỗ trợ 50% giá của Samsung Galaxy Note 8, từ 17 triệu đồng chỉ còn 8,5 triệu đồng. Anh có giải thưởng 5 triệu đồng nên khi nhân viên giao hàng đến, anh chỉ cần trả thêm 3,5 triệu đồng là nhận máy...", giọng nữ trong điện thoại tuyên bố.
Sau khi cung cấp họ tên, số CMND và địa chỉ để nhận hàng, đến sáng thứ Hai vừa qua, nhân viên giao hàng đã mang gói hàng đến địa chỉ nhà anh Dũng. Tuy nhiên, phía chuyển phát cho biết, anh chỉ được mở hộp khi đã trả tiền.
Thấy yêu cầu kiểm hàng bất lợi và thông tin trên gói hàng khả nghi, không ghi rõ là sản phẩm Samsung Galaxy Note 8 mà là hai sản phẩm thương hiệu khác, anh Dũng quyết định từ chối nhận hàng.
"Tôi đã hơi nghi từ lúc nghe điện thoại nhưng vẫn cho địa chỉ để nhận thử xem sao. Đến khi thấy gói hàng và điều kiện kiểm tra thì tôi chắc chắn là mình bị lừa. Tuy nhiên, tôi cũng phải tốn 80.000 đồng để chuyển trả hàng lại", anh kể.
Kiện hàng khả nghi vốn được quảng cáo là mẫu điện thoại đắt tiền mà anh Dũng nhận sáng ngày 15/4.
Tương tự như anh Dũng, trên một nhóm Facebook chuyên chia sẻ các trường hợp bị lừa trúng thưởng và mua hàng qua mạng, nhiều thành viên than thở về trường hợp được chào mời trúng thưởng đồng hồ Rolex nhưng nhận được là một sản phẩm không tên tuổi, có giá vài trăm nghìn trên chợ mạng. Vụ việc rộ lên giai đoạn cuối năm ngoái đến đầu năm nay.
Thực tế, kiểu lừa trúng thưởng để mua điện thoại, đồng hồ hiệu không mới. Hình thức này đã được Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phát đi cảnh giác từ giữa năm ngoái. Chiêu thức chung là điện thoại thông báo trúng phiếu mua hàng hiệu giá rẻ, giao tận nơi với điều kiện trả tiền mới được mở hộp.
Giai đoạn tháng 6-7 năm ngoái, nhiều người tiêu dùng đã phản ánh đến Cục về chiêu lừa trúng một phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng và có thể dùng mua điện thoại Samsung Galaxy A8 giá trên 8,5 triệu đồng. Nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải trả phần còn lại hơn 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng, người tiêu dùng chỉ nhận được một chiếc MIQ A8 Trung Quốc với giá trị chỉ hơn một triệu đồng sau khi đã trả tiền.
Khi người mua phản ánh lại thì cũng không có khả năng đòi đổi trả hàng hay hoàn tiền. Các đơn vị này từ chối với các nguyên nhân như người mua nghe nhầm, không nghe kỹ, không xem kỹ thông tin bên ngoài kiện hàng, đã chấp nhận điều kiện trả tiền và nhận hàng...
Cuối tháng qua, trong cảnh giác phát đi lần nữa đến người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh đã chỉ ra dấu hiệu nhận dạng nguy cơ bị lừa đảo ở hình thức này.
"Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm", thông báo phát đi của Cục viết.