Cầu Giang Sơn có chiều dài 66 m, ngang 2,5 m nhằm phục vụ hơn 650 em học sinh hàng ngày đi học tại các điểm trường cấp 1-2 thuộc Trường THCS Thuận Tiến. Đây là cây cầu đầu tiên của chương trình “Cùng Osla hướng về Nhịp cầu đến trường” do Osla khởi xướng nhằm xây dựng những chiếc cầu ở các vùng sông nước hiểm trở như ĐBSCL, Gia Lai… để mang đến cho các em nhỏ cơ hội được sống và học tập an toàn hơn.
Cầu Giang Sơn được thi công theo mô hình cầu treo cứng nổi tiếng của anh Lê Văn Cư (thường gọi Ba Đạt), thường được người dân yêu mến gọi là anh “kỹ sư-nông dân” - người luôn đam mê nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật thi công cầu thích ứng với miền sông nước nơi có nhiều tàu bè, sà lan qua lại. Cầu có thời gian thi công nhanh, dễ dàng tháo lắp, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chân cầu đổ bê tông cốt thép, khung cầu được gia cố bằng thép đặc, uốn cong tự nhiên không ghép nối, không hàn xì… (bài viết đã đăng trên http://nld.com.vn/ban-doc/chuyen-gia-xay-cau-day-day-20151111211520605.htm ). Cho đến nay, anh Lê Văn Cư đã thi công hơn 100 cầu treo cứng như thế này tại ĐBSCL và miền Trung.
Ông Nguyễn Văn Hòa, chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết: “Lâu nay, các em học sinh xã Bình Giang hàng ngày phải đi đò qua kênh Tám Ngàn để đi học tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất. Khu vực kênh Tám Ngàn rất nguy hiểm vì là tuyến đường sông huyết mạch từ Kiên Giang đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Sài Gòn với nhiều tàu, sà lan qua lại. Hôm nay, chúng tôi cùng các em học sinh xã Bình Giang và bà con rất vui mừng vì sắp có cây cầu an toàn để qua sông nhờ sự hỗ trợ từ Tập đoàn Dược phẩm Merap, thuốc nhỏ mắt Osla và CLB Bóng Hoàng Anh Gia Lai”.