Trong một lần ghé Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ (Tiền Giang), một lãnh đạo trung tâm này “bật mí”, vùng Đồng Tháp Mười giờ xuất hiện “ông cá hô” thu tiền tỷ từ con cá gần như tuyệt chủng trong tự nhiên.
Đổi vận nhờ cá hô
Ông Nguyễn Văn Bình đang cho đàn cá hô ăn. Ảnh: T.Đ
Chúng tôi vác ba lô theo Quốc lộ 62 về Đồng Tháp Mười tìm "ông cá hô" Tám Bình (Nguyễn Văn Bình, ngụ xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, Long An). Cái thú chiêm ngưỡng những đàn cá hô to lớn vẫy vùng trong nước cứ thôi thúc chúng tôi trên suốt chặng đường. Theo một số ngư dân ngang dọc đánh bắt cá hô trên con sông tử thần Vàm Nao (An Giang), trong tự nhiên loài cá này đang bên bờ tuyệt chủng vì bị đánh bắt gắt gao.
Mùa này, nước lũ tràn đồng xã Vĩnh Châu A. Trong khi đó, người dân vùng lũ hối hả thu hoạch những mớ cá linh thì anh Tám Bình lại đi chăm sóc đàn cá hô "khủng" trong ao. Giữa trời nắng chang chang, ông Tám Bình lui cui cho đàn cá hô ăn. Trong những cái ao rộng hơn 2ha, ông đang sở hữu nhiều con cá hô nặng khoảng 15kg. Mỗi đợt vãi thức ăn, đàn cá hô lao lên đớp mồi để lại những dãy sóng cuộn tròn trên mặt nước.
"3 năm qua, tính tổng cộng, tui nuôi được gần 5.000 con cá hô. Đến nay tui đã bán được 700 con, trung bình khoảng 1,7 triệu đồng/con cá, thu về hơn 1 tỷ đồng" - ông Tám Bình thổ lộ.
Theo một kỹ sư chuyên ương cá hô giống tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ, hiện nay ở Đồng Tháp Mười chưa ai nuôi cá hô thành công và có số lượng cá “khủng” như ông Nguyễn Văn Bình.
Ông Nguyễn Văn Bình tỉ tê, trước khi nuôi cá hô, ông mạt vận với con cá tra. Vụ cá nào cầm hòa vốn là “phước đức ông bà để lại”. Năm 2013, quá ngán ngẩm, lại được biết có nông dân nuôi cá hô ở Hậu Giang thành công, thế là ông gom góp số vốn còn lại chạy lên Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ mua một lúc 1.600 con cá hô giống đem về nuôi.
“Tôi nghĩ, đến lúc này cứ mua cá hô giống về nuôi thử, thành công thì tốt, nếu có mất thì cũng chẳng là bao so với lỗ lã từ con cá tra” -ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Thu hoạch cá hô tại ao của ông Nguyễn Văn Bình. Ảnh: T.Đ
Không như một số nông dân nuôi cá hô chủ yếu cho ăn bèo, rau củ…, sau khi cá được 1 tuổi, ông Nguyễn Văn Bình cho xử lý cá tạp và nước trong ao để chuyển sang giai đoạn cho cá hô ăn thức ăn công nghiệp. Sau một năm tuổi con cá chưa đến 1kg, nhưng khi cho cá ăn thức ăn công nghiệp, cá hô lớn như thổi. Đến tuổi thứ 3, cá hô đã đạt trọng lượng khoảng trên 10kg/con.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, muốn nuôi cá hô hiệu quả phải có diện tích ao lớn và phải xử lý nước cho sạch. Cá hô rất khỏe, ít xảy ra dịch bệnh, chăm sóc dễ. Về kỹ thuật nuôi cá hô, ngoài khâu chuẩn bị thì khâu vệ sinh ao không để lộn cá tạp trước khi thả nuôi là rất quan trọng. Ao có nhiều cá tạp, cá hô sẽ chậm phát triển do chật chội và tranh giành thức ăn.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Bình, cá hô thích hợp với nhiệt độ cao, vì vậy cá phát triển tốt vào mùa nắng. Vào mùa mưa, nhiệt độ thấp, nguồn nước trong ao lạnh cá có thể bỏ ăn, vì vậy phải theo dõi thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời. “Nếu gặp tình trạng cá bỏ ăn, phải ngừng cho cá ăn và thay nước trong ao. Cá hô không chết thành dịch như các loại thủy sản khác. Nếu có bệnh, cá chỉ chết lai rai, nên nông dân có thể kịp thời trở tay, thậm chí bán cá chạy dịch cũng kịp” - ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Tết đến ăn cá hô cầu may
Theo ông Nguyễn Văn Bình, những con cá hô trên chục kg hiện nay sẽ được lưu nuôi để bảo tồn. Ảnh: T.Đ
Nhân gian truyền rằng ăn thịt cá hô rất may mắn, nhất là trong dịp tết. Cá hô làm món gì cũng ngon, không có món thịt cá nào sánh bằng. Thịt cá hô vừa ngon vừa dai, không bở như các thứ cá khác. Chính vì vậy, hiện mỗi con cá hô nặng 80 - 100kg, thương lái trên thị trường ra giá vào khoảng 2 - 4 triệu đồng/kg. Khi trở thành món ăn trong các nhà hàng ở TP.HCM, giá trị cá còn cao hơn gấp vài lần.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, thịt cá hô càng lớn tuổi, giá trị càng cao. Hiện tại ao, thương lái mua cá với trọng lượng 11 - 15kg/con khoảng 300.000 đồng/kg. “Cá hô là loại cá hạng sang, chỉ dành cho phân khúc những người có điều kiện. Vì vậy, đầu ra của cá hô rất rộng và giá cả khá cao, ổn định. Lúc nào thị trường cũng có nhu cầu cần cung cấp cá hô, nhất là tại những đô thị lớn” -ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Mặc dù biết rằng cá “khủng” thì giá “khủng”, nhưng để nuôi một con cá hô nặng hàng chục kg, theo ông Bình là không dễ. “Để làm việc này người nuôi cá hô phải có diện tích ao rất lớn. Tôi tính, diện tích lý tưởng là 1,5kg cá/m2. Một con cá hô nặng hàng chục kg sẽ chiếm một diện tích ao khá lớn. Ấy là chưa nói phải nuôi hàng chục, hàng trăm con như vậy” - ông Nguyễn Văn Bình nói.
Bên cạnh đó, vốn liếng để chăm sóc đàn cá cũng tốn kém khá lớn. Cá càng lớn lượng thức ăn càng nhiều, trong khi nông dân cần vốn hằng ngày để duy trì đàn cá.
Hiện, đàn cá hô 5.000 con của ông Nguyễn Văn Bình có 3 hạng: 0,5kg/con, 3kg/con và 10kg/con. Để duy trì đàn cá, anh phải tính toán bán dần lượng cá trong ao với phương châm “bóc ngắn, cắn dài”. Được biết, có một thương lái muốn hợp tác làm ăn với ông Bình. Ông này bao giá 250.000 đồng/kg cá trong 3 năm. Nhưng ông Nguyễn Văn Bình lại có kế hoạch khác nên không làm, mặc dù rất cần tiền để nuôi cá. “Dưới ao tôi hiện nay có một số con nặng hơn chục kg. Tôi có kế hoạch sẽ chọn ra những con này để bảo tồn. Tôi sẽ nuôi cho chúng thật lớn. Loài cá này, nhất là cá lớn, hiện nay trong tự nhiên rất ít khi nghe thấy ngư dân đánh bắt được. Nghe đâu chúng sắp tuyệt chủng mất rồi” -ông Nguyễn Văn Bình trầm tư nói.
Trong đợt tết vừa qua, ông Nguyễn Văn Bình đã bán được rất nhiều cá hô và có thu nhập cao.