Cháo Tiều ở Sài Gòn duy nhất chỉ có tiệm cô Phi là dùng nồi đất
Nhiều người lần đầu tiên ăn cháo Tiều sẽ nhầm tưởng đây là món cháo lòng, nhưng thật ra cách nấu của hai món ăn hoàn toàn khác biệt. Cháo lòng khi chế biến, người ta phải luộc lòng, lấy nước ấy hầm cháo, khi ăn thì thêm thịt và lòng vào tô.
Còn với cháo Tiều, người ta hầm cháo trắng riêng, các nguyên liệu được để tươi sống, chỉ sơ chế sạch sẽ để từng khay. Khi có khách gọi món, chủ quán mới cho một cái nồi nhỏ lên bếp rồi thêm nguyên liệu vào để người thưởng thức luôn có cảm giác món ăn tươi mới.
Khi khách gọi món, chủ quán mới cho nồi nhỏ lên bếp, múc cháo và cho thêm lòng, tôm, mực... vào nồi, giúp thực khách có cảm giác món ăn luôn tươi mới
Hơn nữa, thành phần tô cháo Tiều rất đặc biệt, có cá lóc, tôm, mực, lòng heo, thêm cái trứng gà chần nữa mới đủ vị. Nhiều người biết đến cháo Tiều cô Út ở chợ Bàn Cờ (Q.3), cháo Tiều Chợ Lớn... nhưng mới đây, sức hút của món cháo Tiều cô Phi đựng trong nồi đất bán ở Bình Thạnh đang gây tò mò cho giới mê món lạ.
Chủ quán còn chuẩn bị thêm một rổ cải xanh, thả từng nắm nhỏ vào nồi, cải đắng nhẹ quyện với vị cháo thơm đậm đà, mùi cải xanh, mùi của tôm cá, mùi của gừng tươi ... hòa vào nhau kích thích vị giác, khiến người ta muốn ăn hoài, ăn mãi.
Tô cháo trắng có chút màu xanh của rau cũng hấp dẫn phần nhìn, chưa kể lúc múc muỗng cháo trắng, kèm một miếng cật, chút cải xanh, thật khó cưỡng.
Chỉ thêm ít cải xanh cắt nhỏ mà món cháo Tiều đặc biệt ngon hơn hẳn. NHẬT CÁT
Cháo ở tiệm cô Phi chỉ bán đồng giá một thố 55.000 đồng. Người ăn ít hay ăn nhiều gì cũng tính theo đơn vị thố. Có chăng trước lúc kêu món, các yêu cầu đặc biệt sẽ được chủ chú ý, có thể tăng nguyên liệu, thêm nhiều cháo, giảm cay... nhưng không giảm giá.
Tiệm cháo chỉ bắt đầu bán vào 2 giờ 30 chiều cho đến tầm 10 giờ tối là đóng cửa.