Delta còn có các chuyến bay đặc biệt trong ngày mai, dành cho nhân viên và các khách hàng vip. Giá vé cho những chuyến bay trong "tour tạm biệt" này đã tăng vọt nhờ nhu cầu của khách hàng.
Dù vậy, 747 vẫn sẽ hoạt động cho các hãng Lufthansa (Đức), British Airways (Anh) và Korean Air Lines (Hàn Quốc). Boeing cũng vẫn sản xuất máy bay này để chở hàng và cho vài khách hàng đặc biệt, như Tổng thống Mỹ.
Boeing 747 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới khi ra mắt. Ảnh: AFP
"747 đã giúp tất cả mọi người được đi máy bay", Michael Lombardi - Giám đốc lịch sử tại Boeing nhận xét, "Nó đã chắp cánh cho cả thế giới". Chuyên gia tư vấn hàng không - Michel Merluzeau thì cho rằng máy bay này đã thay đổi việc đi lại của mọi người: "Đột nhiên, bạn có thể đi từ Singapore đến London trong chưa đầy 24 giờ. Nó khiến mọi việc trở nên dễ tiếp cận hơn".
Boeing 747 có biệt danh "jumbo jet" vì phần bướu lớn đặc trưng trên đầu, từng là máy bay chở khách lớn nhất thế giới, có 4 động cơ với sức chứa lên tới 600 hành khách. Được coi là "Nữ hoàng của bầu trời", 747 bắt đầu vận hành năm 1969, khởi đầu thời kỳ bay đường dài với máy bay phản lực thân rộng hai lối đi.
"747 là một cột mốc lớn trong lịch sử hàng không", Bob Van der Linden - người quản lý tại Bảo tàng Hàng không - Vũ trụ Quốc gia thuộc Viện Smithsonian nhận xét, "Nó rất lớn, rất thoải mái, đẹp và có cả cầu thang nữa. 747 là biểu tượng về quyền lực kinh tế".
Với hơn 1.500 đơn hàng cho tất cả các dòng, Boeing 747 là một trong những máy bay bán chạy nhất lịch sử ngành hàng không. Hiện tại, khoảng 500 chiếc vẫn còn hoạt động, theo số liệu của Flightglobal Ascend.
Gần đây, khi 747 bắt đầu kém thịnh hành, Boeing cũng chuyển sang sản xuất máy bay nhỏ hơn. Họ tin rằng các hãng bay sẽ tiếp tục chuộng loại máy bay 2 động cơ cỡ lớn, như Boeing 777X hay Airbus A350. Chúng có thể bay xa như những tàu bay khổng lồ, nhưng dùng ít nhiên liệu hơn. Chúng cũng có ít ghế hơn, giúp các hãng hàng không dễ dàng sắp xếp hành khách.