Vài thập kỷ qua, tuổi thọ trung bình của con người đã ngày một tăng. Tại Trung Quốc, Mỹ và hầu hết các nước Đông Âu, tuổi thọ đã gần tiến sát 80, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Người dân tại Tây Âu và Nhật Bản có thể sống đến ngoài 80 tuổi.
Tuy nhiên, phần lớn người giàu kỳ vọng sống lâu hơn. Trong khảo sát mới nhất của UBS Financial Services, 53% nhà đầu tư giàu có muốn sống đến 100 tuổi.
Người giàu sẵn sàng chi nhiều tiền cho các dịch vụ liên quan đến sức khỏe. Ảnh: AFP
Chạm mốc 3 chữ số dĩ nhiên không hề dễ dàng, nhưng cũng không phải là không thể. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật hiện là 87, còn đàn ông là 81. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra giàu có là một lợi thế trong việc kéo dài tuổi thọ.
Ví dụ, tại Mỹ, những phụ nữ thuộc top 1% thu nhập cao nhất sống lâu hơn 10 năm so với nhóm 1% nghèo nhất, theo một nghiên cứu năm 2016 của Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ. Còn với đàn ông, khoảng cách này lên tới 15 năm.
Người giàu biết sống đến 100 tuổi là một nguyện vọng đắt đỏ. Do nó đòi hỏi chi nhiều hơn vào sức khỏe, đồ ăn, luyện tập và nhiều dịch vụ liên quan khác. Trong khảo sát của UBS, 91% người tham gia (có tài sản từ một triệu USD trở lên) cho biết “đang thực hiện các thay đổi tài chính để tăng tuổi thọ”.
Họ cũng lo lắng về chi phí chăm sóc sức khỏe tăng, nhưng sẵn sàng hy sinh tiền bạc để được sống lâu hơn. 9 trên 10 người giàu đồng ý rằng “sức khỏe quan trọng hơn tiền bạc”. Khi được hỏi sẵn sàng chi bao nhiêu tài sản để được sống “lâu hơn 10 năm”, những người có từ 1 đến 2 triệu USD muốn hy sinh một phần ba. Trong khi đó, những người có hơn 50 triệu USD sẵn lòng chia tay gần nửa tài sản.
Dù vậy, trong khảo sát của UBS, người giàu ở Mỹ lại bi quan hơn về việc nâng cao tuổi thọ. Chỉ khoảng 30% người tham gia kỳ vọng chạm mốc này. Họ là nhóm lo lắng nhất về chi phí y tế tăng cao, nhưng lại kém sẵn sàng nhất trong việc điều chỉnh tài chính để sống lâu hơn.