Đáng chú ý, Techcombank đã đạt 7.774 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 61% so với cùng kỳ, đứng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP, đồng thời dẫn đầu xu hướng giảm "độc canh tín dụng", với tỷ lệ thu dịch vụ lên đến gần 40% trong tổng lợi nhuận.
Cơ cấu lợi nhuận chuyển dịch
Ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã phát đi thông điệp cơ quan điều hành sẽ kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, lợi nhuận hệ thống NH trong những năm qua có được chủ yếu nằm ở mảng tín dụng, trung bình tỷ trọng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng của các NH thương mại hiện nay khoảng 70 - 80%. Với chủ trương trên, nếu các NH duy trì nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng như mọi năm, lợi nhuận sẽ rất khiêm tốn.
Tính đến thời điểm này, đa phần các NH đa phần đạt tỷ lệ doanh thu dịch vụ là 15 – 20%/tổng lợi nhuận, một số ít đạt tỷ lệ 30%. Như trường hợp Techcombank đạt tỷ lệ gần 40% thu dịch vụ/tổng lợi nhuận, được đánh giá là "hiện tượng" của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong đó một nửa là nguồn thu dịch vụ từ khách hàng cá nhân, một nửa còn lại là thu dịch vụ từ các công ty lớn, phát hành trái phiếu… Đến cuối năm, theo dự định của NH, con số này sẽ là 42% và kỳ vọng từ hai đến ba năm tới nguồn thu từ dịch vụ sẽ chiếm 50% lợi nhuận của NH và một nửa còn lại là thu từ tín dụng. Soi báo cáo tài chính của Techcombank, sau khi tất toán hơn 400 tỉ đồng trái phiếu VAMC trong năm ngoái, ngân hàng này đã có nguồn thu gia tăng từ các công cụ phái sinh cao, cụ thể thu thuần từ các công cụ phái sinh khác lên mức gần 200 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018 (so với mức gần 43 tỉ đồng cùng kỳ năm 2017). Đáng chú ý, tăng trưởng thu nhập lãi thuần tăng đến 26%, đạt 8.168 tỉ đồng, hoạt động dịch vụ tăng 25% đạt 2.113 tỉ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 21,27%, đạt 247 tỉ đồng... Các con số này cho thấy, cơ cấu thu nhập của Techcombank trong 9 tháng đầu năm nay thuộc loại đa dạng nhất trong các ngân hàng và có sự chuyển dịch rõ nét để hướng đến cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính phi tín dụng.
Chủ động giảm lệ thuộc thu tín dụng, tăng hệ số an toàn vốn
Cùng với tỷ lệ tăng thu từ dịch vụ 40% nổi trội, Techcombank đã đặt mục tiêu giảm nguồn thu tín dụng từ mức 53% xuống 48% dù thu từ tín dụng ở mức 53% là khá thấp thậm chí có thể nói là thấp nhất trên thị trường hiện nay cho thấy NH này đang muốn giảm mạnh sự lệ thuộc vào hoạt động tín dụng. Lý giải chọn định hướng này, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, trong ngành ngân hàng, rủi ro tín dụng là một trong những trụ cột cần quản lý chặt chẽ nhất. Nếu NH càng tập trung cho vay, càng tăng trưởng tín dụng thì rủi ro tín dụng càng tăng. Chưa kể hệ thống ngày càng lớn thì rủi ro vận hành cũng tăng theo. Do vậy, NH phải chủ động giảm bớt để cân bằng giữa rủi ro tín dụng rủi ro thanh khoản và rủi ro vận hành.
"Hướng kinh doanh hiện nay của Techcombank là không tập trung tăng tín dụng nhiều mà tập trung vào những dịch vụ tài chính mà khách hàng cần. Nhìn lại trong hệ thống, nhu cầu tín dụng chỉ là một khoản nhỏ trong tất cả những nhu cầu về tài chính của người dân. Tuy nhiên để đáp ứng những nhu cầu phi tín dụng đòi hỏi thời gian xây dựng hệ thống, đầu tư công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ nhân viên…. Nhưng chúng tôi đã bắt đầu lộ trình này từ nhiều năm trước nên hiện giờ chúng tôi hướng đến việc tập trung đáp ứng những nhu cầu về dịch vụ tài chính phi tín dụng cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân", ông Nguyễn Lê Quốc Anh chia sẻ thêm định hướng của NH.
Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" của Chính Phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 các NHTM cần tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của mình. Thực tế, trong 9 tháng đầu năm 2018 Techcombank đã tăng tỷ lệ thu dịch vụ và chủ động giảm tăng trưởng tín dụng mà vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục. Nhìn tổng thể, "hiện tượng Techcombank" có tác động tích cực đến các đơn vị đang theo đuổi chiến lược bán lẻ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phi tín dụng, tăng thu từ dịch vụ, và giảm "độc canh" tín dụng, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu của NHNN.