Mua hàng rẻ, hàng giảm giá
Cuối năm, nhiều cửa hàng bán đồ giảm giá để thanh lý hàng tồn kho. Giảm giá là một chiêu thức rất hiệu quả đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Người mua có cảm giác như có được món hời nên khi gặp hàng giảm giá rất dễ mua dù có thể không cần thiết, hoặc không có ý định mua. Đa phần hàng giảm giá là hàng chất lượng không cao, sắp hết “đát” hoặc mẫu mã không đẹp - ít người mua.
Tất nhiên, không phải tất cả các mặt hàng thanh lý đều kém chất lượng. Tuy nhiên, nếu bạn mua hàng vô tội vạ sẽ dẫn tới việc sử dụng không hết gây lãng phí. Do đó, trước khi mua những món đồ giảm giá, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ, nếu là món đồ trước đó bạn nghĩ không quá cần thiết thì không nên mua, còn nếu thấy cần thiết thì hãy tinh ý khi lựa chọn sản phẩm để đảm bảo mình mua được những đồ hữu ích.
Cuối năm là dịp các nhà hàng, siêu thị “tung” hết các chiêu khuyến mãi, xả hàng, kích cầu.
Mua hàng online
Mua hàng online trên mạng đang là một xu thế phổ biến, nhất là tiện ích với những người bận rộn, thiếu thời gian. Vào dịp cuối năm càng nhiều người sử dụng hình thức này để tiết kiệm thời gian. Hình thức này có nhiều tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro như giao hàng không đúng đơn hàng, sai mẫu mã, hàng chất lượng kém, hoặc không giao hàng làm người mua chờ đợi và lỡ việc.
Thậm chí một số trang cá nhân giả rao bán sản phẩm, bắt người tiêu dùng phải chuyển khoản một khoản tiền rồi mới giao hàng. Tuy nhiên khi, chuyển khoản xong thì không nhận được hàng. Bởi vậy, để tránh mắc lừa chiêu thức trên, bạn nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đặt mua, đồng thời nên chọn lựa những website bán hàng có uy tín.
Mua hàng ngày giáp Tết
Nhiều người có thói quen mua hàng vào những ngày giáp Tết vì cho rằng lúc đó hàng sẽ giảm giá rẻ hơn, và tất nhiên cũng vì bận rộn. Đúng là có một số mặt hàng giảm giá, nhưng có một số khác lại tăng chóng mặt. Thực tế những ngày giáp Tết như 28, 29, giá cả nhiều mặt hàng hóa thiết yếu sẽ được đẩy lên mức cao nhất. Việc mua sắm lúc này khiến chúng ta không có thời gian để đưa ra những quyết định chi tiêu thông minh.
Ngoài ra, đợi mua hàng giảm giá sẽ có nguy cơ mua phải đồ kém chất lượng, có lỗi... Các loại mặt hàng gia dụng, điện tử mua vào lúc này nếu bị lỗi sẽ không kịp đổi hay chuyển dịch vụ bảo hành trước tết. Vì thế, tốt nhất hãy lên kế hoạch những thứ cần thiết trước Tết để mua sớm và có thời gian chọn lựa kỹ càng.
Không lập danh sách trước khi mua sắm
Hàng hoá, đồ dùng, thực phẩm vào dịp cuối năm nhiều hơn thường lệ. Và bạn sẽ phải đi mua sắm trong một tình cảnh vội vã, đông đúc. Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu bạn không lên một bảng danh sách những thứ cần mua sắm trong dịp này.
Việc không có một danh sách hàng hoá dự kiến mua sắm sẽ dễ khiến bạn thấy bối rối để rồi mua quá nhiều sản phẩm mà không quan tâm tới độ cần thiết gây lãng phí tiền bạc và thời gian. Hãy khắc phục thói quen xấu này bằng cách lập một danh sách các vật dụng cần thiết cho gia đình dịp Tết và gạch đầu dòng theo thứ tự ưu tiên giảm dần và mua theo danh sách đó.
Việc lên danh sách giúp cho bạn có một lộ trình và quy trình hợp lý, mua cái gì trước, cái gì sau; mua ở cửa hàng nào trước, cửa hàng nào sau; và phân bố tài chính hợp lý cho từng nội dung. Việc làm này có thể giúp bạn tiết kiệm khoảng 15-20% chi phí - một con số không nhỏ.
Không tham khảo giá cả
Nhiều người có thói quen nhìn thấy hàng hoá, ưng là mua, không quan tâm lắm đến giá cả đắt hay rẻ, cao hay thấp - nhất là trong những siêu thị hay trung tâm thương mại; vì cho rằng giá ở đó là chuẩn. Thực tế không phải vậy, giá cả có những biên độ dao động nhất định giữa các nhà phân phối.
Ngay cả các sản phẩm sản xuất công nghiệp, công nghệ cao như tivi, tủ lạnh, điều hoà nhiệt độ… cũng có thể có giá khác nhau đối với một loại sản phẩm ở các siêu thị khác nhau. Với các sản phẩm tiêu dùng, may mặc thì giá cả có thể chênh nhiều nữa (so với giá trị thực của sản phẩm).
Vì vậy, việc khảo giá là cần thiết để bạn có thể mua đúng giá của sản phẩm và tiết kiệm chi phí. Với mạng internet đã phổ cập như hiện nay thì việc khảo giá và so sánh không khó. Trên mạng cũng có rất nhiều trang so sánh giá với những thông tin cụ thể rất hữu ích dành cho người mua hàng.
Mua sắm quá nhiều đồ không cần thiết
Mua sắm nhiều là thói quen của nhiều người, theo tâm lý cho bõ công đi shopping. Điều này hay có ở phụ nữ, với những mặt hàng gia dụng và thực phẩm. Có khi nhà có đồ rồi, nhưng thấy ở siêu thị có đồ tương tự đang giảm giá, khuyến mại cũng lại mua. Hoặc thấy quảng cáo có những đồ rất hay, tiện ích mua về nhưng lại không phù hợp với hoàn cảnh nhà mình, rất lãng phí.
Thực phẩm trong dịp Tết cũng hay được mua nhiều, theo thói quen tích trữ ngày xưa. Việc mua tích trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày lễ Tết, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình mà còn gây lãng phí.
Tốt nhất hãy tính toán lượng thực phẩm phù hợp với thành viên trong gia đình để dự trữ đồ ăn. Không nên mua sắm quá nhiều bởi dù là dịp lễ Tết nhưng hầu hết các chợ xanh, siêu thị, trung tâm thương mại đều mở cửa sớm khoảng mùng 2, mùng 3 Tết.