Ngày 5/12, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, cho biết toàn huyện hiện có gần 3.000ha diện tích trồng chuối xiêm tập trung ở 2 xã vùng đệm Minh Thuận và An Minh Bắc, tăng gần gấp đôi so với năm 2017.
Việc tăng nhanh diện tích trồng chuối bắt đầu từ khuyến cáo của ngành nông nghiệp huyện nhằm chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuối. Nhưng cung vượt cầu, chuối bị rớt giá mạnh.
Không có nơi tiêu thụ, nông dân U Minh Thượng thu hoạch chuối chất đống. Ảnh: Anh Phương.
Chuối bỏ đống và cho cá ăn
Gia đình ông Phan Minh Khởi (ngụ ấp Minh Kiên A, xã Minh Thuận) có 4 công đất trồng chuối, hằng tháng ông thu hoạch từ 400 - 500 nải. Những năm trước giá thấp nhất cũng từ 3.500 - 4.000 đồng/nải, nhưng hiện nay chỉ còn 2.000 đồng/nải, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Anh Phạm Văn Nghị (ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) cho biết từ tháng 2 - 4/2018, thương lái mua chuối với giá 4.000 - 6.000 đồng/nải, đến tháng 5/2018 còn 3.000 đồng/nải (loại tốt). Tuy nhiên, đến nay bà con thu hoạch xong vận chuyển ra tận bờ bao nhưng thương lái chỉ mua với giá 2.000 đồng/nải. Nếu trừ chi phí chăm sóc, thuê nhân công thu hoạch, vận chuyển thì bà con không còn lãi, thậm chí lỗ.
Ông Nguyễn Văn Phương (ngụ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc) có 4 ha trồng chuối. Những năm trước, mỗi tháng ông thu nhập không dưới 80 triệu đồng tiền chuối nải và bắp chuối (hoa chuối). Tuy nhiên, hiện nay giá còn 2.000 đồng/nải, ông chỉ thu về được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Không chỉ chuối nải rớt giá, bắp chuối cũng rớt theo, trung bình một bắp chuối bán từ 3.000 - 4.000 đồng, thay vì hơn 10.000 đồng/bắp như trước đây.
Theo các thương lái, sở dĩ giá chuối giảm mạnh là đang vào thời kỳ thu hoạch, thêm vào đó chuối U Minh Thượng bị ảnh hưởng mưa bão nên chất lượng và độ đẹp không bằng nơi khác. Bà Trương Thị Nguyệt, một thương lái thu mua chuối thừa nhận, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thương lái chỉ chọn mua chuối có độ chín đều và đẹp mắt, còn chuối không đạt chất lượng thì không mua vì bán không được.
Anh Võ Đường Roi (ngụ ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) chia sẻ, lúc hút hàng thì thương lái thu mua hết không dạt ra dù chuối không đạt chất lượng, còn hiện giờ chuối hơi nhỏ chút cũng bị dạt ra bỏ lại. Có khi nông dân thu hoạch 700 nải, thương lái “ép” trả lại gần 100 nải. Số chuối bị trả lại thì nông dân cho cá hay lợn ăn, còn không thì bỏ đống chứ không bán cho ai được.
Nông dân đối diện nguy cơ thua lỗ vì chuối rớt giá. Ảnh: Anh Phương
Lỗ nặng vì “cứu chuối”
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân H.U Minh Thượng, cho biết do chuối trồng ở vùng đất này cho ra trái không đẹp bằng một số tỉnh, thành khác nên chủ yếu xuất bán qua Campuchia. Thế nhưng, hiện nay phía nước bạn cũng trồng chuối nhiều nên việc tiêu thụ nguồn chuối tại địa phương gặp khó. Có người không bán được chuối nải đành chặt cho cá ăn; người xót của chở đi bán dạo nhưng chẳng được bao nhiêu.
Thấy nông dân làm ra sản phẩm mà không tiêu thụ được, ông Hiền lo lắng. Ông thuê xe tải rồi thu mua trong dân được 7 tấn chuối chở lên TP HCM Minh tiêu thụ. Thế nhưng, các chủ vựa tại đây chê chuối không đạt, chỉ mua khoảng 30% tổng số chuối. Ông Hiền không bán, chở hàng sang Campuchia nhưng bị ế vì nước bạn cũng đang có lượng chuối lớn. Chuối để lâu sẽ bị hư nên ông Hiền đành bán tháo, lỗ hơn 26 triệu đồng.
Cũng từ chuyến đi “cay đắng” này, ông Hiền đề xuất với lãnh đạo H.U Minh Thượng phải chuyển dần diện tích trồng chuối sang trồng các loại cây khác như cam, bưởi, xoài hoặc các loại rau màu và hướng tới sẽ cho tiến hành thành lập hợp tác xã và ra mắt thương hiệu chuối xiêm U Minh Thượng. Bên cạnh đó, hướng cho nông dân làm chuối khô, kẹo chuối… đề phòng khi giá chuối nải xuống thấp để nông dân không phải bỏ đi như bây giờ.
Huyện U Minh Thượng có diện tích trồng chuối xiêm nhiều nhất tỉnh Kiên Giang. Chuối xiêm thích hợp trồng tại các địa bàn vùng đệm U Minh Thượng. Cây chuối dễ trồng, dễ chăm sóc, không cần nhiều phân bón, thường xuyên (hằng tháng) cho thu hoạch trái và bắp chuối, góp phần đáng kể trong công tác xóa nghèo ở địa phương. Thế nhưng giá chuối liên tục rớt khiến nông dân không khỏi lo lắng. |