Theo báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam chỉ đạt 33%. Theo thói quen hiện nay, người dân chỉ phân loại một số nhựa cứng, nhựa có giá trị để bán ve chai; các loại nhựa khác, đặc biệt túi mềm vẫn vứt chung vào rác thải sinh hoạt nên không được tái chế.
Vì vậy, ngày hội thí điểm Tách nhựa để Tái chế tại Quận 7 vừa qua giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà một cách triệt để, hỗ trợ mang nhựa quay lại phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất thay vì gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân phân loại tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn kém hơn. Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: "Để thực hiện mô hình này, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là phân loại tại nguồn, vì chỉ khi rác thải nhựa được phân loại đúng cách, chúng ta mới có thể tiến hành thu gom và có nguồn nhựa đầu vào chất lượng phục vụ cho hoạt động tái chế và sản xuất bao bì tái sinh về sau."
Ngày hội còn là cột mốc quan trọng khởi động cho chương trình hợp tác "Phân loại, thu gom và tái chế rác thải nhựa theo mô hình Kinh tế Tuần hoàn" giữa Unilever Việt Nam và UBND Quận 7 đến cuối năm 2025, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Hợp tác này sẽ tập trung mang mô hình Kinh tế Tuần hoàn vào đời sống của người dân, tạo nên làn sóng bảo vệ môi trường rộng khắp tại các cộng đồng địa phương bằng cách xây dựng và duy trì thói quen phân loại rác trong sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình.