Đó là chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, tại hội thảo Phát triển nguồn nguyên phụ liệu thực phẩm, giải pháp nâng cao giá trị ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam diễn ra tại TP HCM ngày 16-5 do Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM tổ chức.
Theo bà Lâm, 2,7 triệu USD là số liệu nhập khẩu nguyên phụ liệu để phục vụ thì trường nội địa, chưa kể 15 triệu USD nguyên phụ liệu thực phẩm Sài Gòn Food nhập khẩu dạng tạm nhập tái xuất (gia công xuất khẩu). Các mặt hàng công ty nhập gồm: có thủy hải sản (cá hồi, cá trứng, cá saba), nông sản (đậu, bắp, khoai tây), gia vị (tinh bột, giấm, nước tương, nước sốt) và bao bì đựng thực phẩm.
Gần 100% hương liệu, phụ gia thực phẩm Việt Nam phải nhập khẩu - Trong ảnh: Đoàn kiểm tra Bộ Y tế kiểm tra chợ Kim Biên
Lý giải về nguyên nhân phải nhập khẩu nhiều, bà Lâm cho biết có nhiều mặt hàng không tìm được nhà cung cấp trong nước (như bao bì cao cấp đựng thực phẩm), thị hiếu người tiêu dùng cần những sản phẩm mới lạ (như cá hồi, cá trứng), nguyên liệu trong nước giá cao (như cá nục, cá bạc má cao hơn cá saba).
Theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương, năm 2017 Việt Nam chi 14,1 tỉ USD để nhập khẩu nhóm ngành lương thực thực phẩm. Những ngành nhập nhiều là: rau quả 1,55 tỉ USD, thủy sản 1,44 tỉ USD, lúa mì 994 triệu USD, sữa 865,5 triệu USD, dầu động thực vật 761,1 triệu USD…