Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của Việt Nam đang phát triển mạnh và khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong năm 2019 – đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ được ký và có hiệu lực.
Trong năm 2017, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt kỷ lục 10,2 tỉ USD, tăng 75% so với năm 2016. Trong quý đầu tiên năm 2018, tổng giao dịch đạt 3,35 tỉ USD, tăng khoảng 39% so với cùng kỳ năm 2017.
Ba ngành có hoạt động M&A mạnh nhất trong 2 năm gần đây là sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản và tài chính ngân hàng. Các nhà đầu tư từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đóng vai trò quyết định trong thị trường M&A Việt Nam trong năm 2017, 2018.
EuroCham ước tính năm nay các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam thông qua con đường M&A sẽ gia tăng do muốn tận dụng các lợi ích từ những hiệp định thương mại sắp có hiệu lực.
Bán lẻ là một trong những ngành có hoạt động M&A mạnh nhất thời gian qua. Ảnh NLĐ
Mặc dù vậy, EuroCham đánh giá vẫn còn tồn tại một số rào cản pháp lý đối với hoạt động M&A nên kiến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục giảm số lượng các ngành nghề đầu tư kinh doanh "có điều kiện"; bỏ yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp Giấy chứng nhận Đăng ký Đầu tư và Giấy chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp mới có thể thành lập pháp nhân tại Việt Nam. Cũng như bỏ yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải xin phép "chấp thuận giao dịch M&A" trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch M&A với doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, giảm thẩm quyền của các cơ quan cấp phép liên quan đến việc rà soát và xem xét lại các điều khoản thương mại của các giao dịch M&A; nâng cao tính rõ ràng và thống nhất của các thủ tục áp dụng cho các giao dịch M&A…
"Các quốc gia khác trong khu vực có lợi thế tương tự như Việt Nma như lực lượng lao động trẻ, nhân công giá rẻ đang thu hút đầu tư. Do vậy, Việt Nam phải duy trì được sức hấp dẫn của mình bằng cách đưa ra một quy trình cấp phép minh bạch, đơn giản và hiệu quả để giúp thúc đẩy thị trường M&A phát triển" – đại diện EuroCham cho biết.
Cũng theo EuroCham, việc ban hành một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch là điều kiện thiết yếu đối với hoạt động hoạch định và triển khai các giao dịch M&A. Tình trạng các cơ quan cấp phép được quyền tự quyết trong việc yêu cầu sửa đổi các khía cạnh thương mại của giao dịch M&A là yếu tố chính gây ra tình trạng thiếu rõ ràng và bất tiện trong thủ tục liên quan đến các thương vụ M&A tại Việt Nam.