Hội thảo là một phần của chương trình hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời WB tại 2 TP lớn là TP HCM và Đà Nẵng. Theo đó, WB giúp 2 TP đánh giá tổng quan lợi ích của chương trình, khảo sát thực địa, lập bản đồ vệ tinh, tư vấn, xây dựng mô hình kinh doanh, triển khai và đánh giá tác động của chương trình. "Từ tháng 4, WB sẽ phối hợp Sở Công Thương khảo sát tại 150 tòa nhà có tiềm năng lắp đặt hệ thống điện mặt trời" – ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.
Cũng theo ông Đông, TP HCM đang dẫn đầu cả nước về số lượng công trình điện mặt trời áp mái. Mới đây, Chính phủ đã có hướng dẫn gỡ vướng hóa đơn cho điện mặt trời, khả năng tỉ lệ lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Nhân viên Điện lực TP HCM lắp tấm pin năng lượng mặt trời cho khách hàng
Tính đến cuối năm 2018, toàn TP đã có 906 hộ gia đình, công sở và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà; tổng công suất lắp đặt đạt 10.382 kWp, tăng gần 52 lần so với 5 năm trước đây. Trong đó, một số công trình tiêu biểu như Nhà máy xử lý nước thải của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền (980 kWp); Công ty TNHH Schneider Electric Manufacturing Việt Nam (360 kWp), Công ty CP Dịch vụ Du lịch Phú Thọ (259,2 kWp)...
"Báo cáo Đánh giá kỹ thuật Tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam" năm 2017 của WB cho thấy ước tính tiềm năng điện mặt trời trên địa bàn TP HCM khoảng 6.300 MW.