Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Sóc Trăng (Trà Vinh) nên anh Nghiêm Đại Thuận 15 tuổi đã phải nghỉ học để theo người chú tha phương kiếm sống. Bôn ba 10 năm từ Cà Mau lên TP HCM làm đủ mọi nghề nhưng cuộc sống không khấm khá nổi. Cuối cùng anh trở lại làng quê nghèo bám trụ.
Chọn nghề xe chỉ tơ dừa để kiếm sống, anh luôn trăn trở với chiếc máy xe chỉ bằng tay kiếm được vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Với suy nghĩ chỉ có cách làm tăng công suất mới giúp cải thiện đời sống đã thôi thúc anh Thuận nghĩ đến việc chế tạo một máy làm tơ xơ dừa hiện đại.
Xã viên Hợp tác xã xe chỉ tơ xơ dừa Mỹ Đức đang làm thảm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Với khoản tiền vay mượn và dành dụm là 200 triệu đồng tôi bắt tay vào thiết kế, nghiên cứu chế tạo máy từ năm 2010. Hơn chục lần thất bại nhưng nhờ quyết chí, cuối cùng đầu 2013 tôi cũng đã chế tạo thành công. Chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa 4 trục vận hành bằng điện mang thương hiệu Nghiêm Đại Thuận đã đạt hiệu quả cao", anh Thuận nói và cho biết thêm, máy có thể cho ra trên 30kg loại chỉ nhỏ sau 8 giờ vận hành, trong khi năng suất máy quay tay thủ công chỉ đạt 2-3 kg cùng thời gian và cần đến 2 lao động. Máy hoạt động gần như tự động, chỉ cần có người giũ xơ dừa là sẽ cho ra sản phẩm đồng nhất. Ngoài ra, chiếc máy này còn tích hợp bộ chỉ nồi vào bộ xe, giải quyết được tình trạng bị đứt chỉ khi xe, tiết kiệm nguồn nguyên liệu.
Dẫu vậy, phải đến 2015 thì anh Thuận mới bắt đầu thương mại hóa sản phẩm, mỗi máy anh bán cho người nông dân giá 50-70 triệu đồng. Tới nay số lượng máy anh đã bán ra thị trường khoảng 200 chiếc. Mới đây, với sáng chế này anh đã đoạt giải sản phẩm tiêu biểu quốc gia.
Không dừng lại ở việc chế tạo máy, anh Thuận còn thành lập Hợp tác xã xe chỉ tơ xơ dừa Đức Mỹ với 11 xã viên và tạo việc làm cho khoảng 50 lao động tại địa phương. Để tạo công việc ổn định, anh tổ chức làm những tấm lưới, thảm từ xơ dừa. Bởi theo anh, những gì mà thị trường không có anh sẽ đáp ứng. Cũng nhờ vậy mà những mặt hàng này của anh được các nhà nhập khẩu Hàn Quốc ưa chuộng. Sau 4 năm, anh đã xuất cho thị trường này hàng trăm tấn sản phẩm; đa phần được dùng cho khách sạn, trung tâm vui chơi.
"Đây là mặt hàng thân thiện với môi trường, có độ bền cao. Tại các công viên chúng được làm cho khu vui chơi trẻ em, chống sạt lở, chống nóng. Thảm có độ dài và rộng tùy theo nhu cầu của khách hàng, đa phần rộng 0,6 đến 1,5 m, giá dao động 800.000 đến một triệu đồng một tấm", Thuận cho biết.
Chia sẻ về việc đem sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, anh cho biết, trong một dịp doanh nghiệp Hàn Quốc về Bến Tre khảo sát, anh có cơ hội tiếp xúc rồi giới thiệu sản phẩm cho họ. Sau qua trình kiểm tra và tìm hiểu, phía Hàn Quốc nhận thấy sản phẩm của anh chất lượng tốt nên đã ký kết hợp tác tiêu thụ. Hiện mỗi tháng anh Thuận xuất sang thị trường này với giá trị khoảng một tỷ đồng.
Bên cạnh thị trường Hàn Quốc, anh cũng đang tìm đường đưa hàng sang Nhật và Canada. Ngoài ra, mới đây, để thị trường trong nước biết đến anh cũng đã đem sản phẩm đến hội nghị kết nối cung cầu của Bộ Công Thương để giới thiệu sản phẩm với mong mỏi được đông đảo người tiêu dùng trong nước đón nhận.
Ngoài việc chăm chút tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Thuận cho biết sẽ nghiên cứu thêm máy lột vỏ trái dừa tự động với mức giá hấp dẫn để giúp nông dân bớt khổ. Trên thực tế, sản phẩm máy lột dừa ở nước ngoài có bán nhưng giá cao lại không mấy hài lòng. Trong khi đó, làm thủ công thì người lao động phải dùng sức, sử dụng mũi dao nhọn để lột dừa nên hay xảy ra tai nạn lao động.
"Đây là trăn trở khiến tôi có động lực tạo ra chiếc máy lột dừa tự động trong thời gian tới. Nếu thành công, người lao động nghèo chuyên làm nghề lột dừa, xe chỉ tơ xơ dừa sẽ bớt vất vả và tăng thêm thu nhập cho gia đình", anh Thuận bộc bạch.