Những năm gần đây, các tập đoàn và tỉ phú Thái Lan là những nhà đầu tư sôi nổi nhất trên thị trường M&A Việt, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ và hàng tiêu dùng.
Không ít tập đoàn Thái hiện sở hữu cổ phần chi phối tại các nhà sản xuất, bán lẻ đầu ngành Việt Nam. Những cái tên lớn nhất phải kể tới Central Group, TCC Holdings, SCG, hay CP Group…
Tỉ phú Thái nắm trong tay Sabeco
Trong các đại gia tới từ Thái Lan, người chi nhiều tiền nhất thông qua các thương vụ góp vốn, mua cổ phần là tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 2 Thái Lan với khối tài sản ròng 13,7 tỉ USD (theo Forbes).
Thông qua TCC Holdings, vị tỉ phú này đang sở hữu hàng loạt khoản đầu tư lớn trên thị trường bất động sản và bán lẻ Việt.
Cụ thể, Berli Jucker - đơn vị thành viên của TCC Holdings chính là bên đứng ra mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD hồi năm 2015. Hiện tập đoàn này đã đổi tên hệ thống bán lẻ trên thành Mega Market Việt Nam.
Tỷ phú giàu thứ 2 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Ảnh: GettyImages.
Cũng chính Berli Jucker sở hữu 65% vốn cổ phần của Công ty CP Thái An Việt Nam, công ty mẹ sở hữu hơn 99% Phú Thái Group - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ khu vực phía Bắc với hàng chục công ty thành viên.
Thông qua các công ty thành viên của TCC Holdings, người giàu thứ 2 Thái Lan cũng sở hữu 65% cổ phần tại Khách sạn Melia Hà Nội, 75% lợi ích tại Cao ốc văn phòng Melinh Point Tower TP.HCM; 70% cổ phần của CTCP phát triển nhà G Homes – công ty thành viên của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR)…
Mới nhất, vị tỉ phú này đã đứng sau Công ty TNHH Vietnam Beverage chi 110.000 tỉ đồng (xấp xỉ 4,8 tỉ USD ) mua 53,59% cổ phần Sabeco và trở thành công ty mẹ của nhà sản xuất và tiêu thụ 41% thị phần bia Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua Tập đoàn F&N (Singapore) đã bị TTC Holdings thâu tóm, đại gia này đang nắm 19,06% vốn Vinamilk , tương đương hơn 35.000 tỉ đồng . F&N vẫn liên tục nuôi tham vọng thâu tóm thêm vốn Vinamilk.
"Đế chế" bán lẻ của gia tộc tỉ phú Chirathivat
Cái tên nổi bật nhất trên thị trường bán lẻ chính là Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat.
Năm 2018, ông Philippe Broianigo - CEO Central Group Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, tập đoàn này đã chi 5,5 tỉ USD thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực bán lẻ. Dự kiến, tập đoàn sẽ chi thêm gần 12.000 tỉ đồng để mở rộng hoạt động tại thị trường này trong vòng 5 năm tiếp theo.
Hiện tại, Central Group chính là chủ sở hữu hệ thống siêu thị BigC sau khi chi 1,14 tỉ USD mua lại từ đối tác châu Âu hồi năm 2016.
BigC là chuỗi bán lẻ mô hình đại siêu thị lớn nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thông qua Power Buy, tập đoàn này đã nắm 96% vốn tại Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, chủ sở hữu chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Trước đó, đại gia bán lẻ Thái Lan đã nắm 49% cổ phần Công ty NKT từ năm 2015. |
Tập đoàn cũng là chủ sở hữu của Zalora Việt Nam sau khi mua lại từ Tập đoàn Rocket Internet.
Ngoài ra, chuỗi 60 siêu thị Lan Chi Mart tại thị trấn các tỉnh vùng ven hiện cũng thuộc quyền kiểm soát của ông lớn này.
Đại gia ngành công nghiệp Siam Cement Group
Tập đoàn công nghiệp lớn của Thái Lan cũng đã chi hàng tỉ USD để "bành trướng" tại thị trường Việt là Siam Cement Group - SCG.
Mở rộng đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992, nhưng SCG hoạt động mạnh nhất từ năm 2010 đến nay với tuyên bố chi ngân sách cho M&A lên tới 5-6 tỉ USD .
Thương vụ gần nhất của tập đoàn này chính là thông qua Nawaplastic sở hữu cổ phần chi phối (trên 50%) tại Công ty CP Nhựa Bình Minh, một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất Việt Nam.
Ông Roongrote Rangsiyopash (trái), Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn SCG Thái Lan. Ảnh: SCG. |
Ngoài ra, SCG còn sở hữu 85% vốn Công ty CP Prime Group sau khi chi khoảng 5.000 tỉ đồng mua lại năm 2012. Trong đó, Prime Group chính là doanh nghiệp sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam, với trên 30% thị phần. Tập đoàn cũng đã có kế hoạch mua 15% vốn còn lại tại Prime Group, với giá 1.400 tỉ đồng để nâng sở hữu tại đây lên 100%. |
Năm 2015, cũng chính SCG chi 1.000 tỉ mua lại 80% vốn Công ty CP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), doanh nghiệp thuộc top 5 lớn nhất lĩnh vực sản xuất bao bì trong nước.
SCG còn sở hữu lượng lớn cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp ngành nhựa gia dụng, bao bì như Liên doanh Việt - Thái Plastchem; Nhựa và Hóa chất TPC Vina; Vật liệu nhựa Minh Thái, Vật liệu Xây dựng Việt Nam...
Khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại Việt Nam chính là 100% vốn nắm giữ tại Hóa dầu Long Sơn, dự án với tổng vốn đầu tư phê duyệt lên tới 5,4 tỉ USD .
SCG hiện sở hữu hơn 20 công ty lớn, nhỏ tại thị trường Việt Nam, năm gần nhất (2019) mang về khoảng 29.516 tỉ doanh thu cho tập đoàn mẹ. Số này tương đương 9% doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn và trên 30% doanh thu khu vực ASEAN (ngoài Thái Lan).
"Đế chế" nông nghiệp của tỷ phú giàu nhất Thái Lan
Không ồn ào với các thương vụ M&A, tỷ phú giàu nhất Thái Lan Dhanin Chearavanont với khối tài sản 15,6 tỉ USD đã xây dựng riêng cho mình một "đế chế" chăn nuôi, nông nghiệp tại thị trường Việt.
Tỷ phú Dhanin Chearavanont, ông chủ Tập đoàn CP Thái Lan và CP Việt Nam. Ảnh: Bangkokpost. |
CP Group Việt Nam - công ty con của CP Group Thái Lan hiện là nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất nước. |
Công ty này đứng 18/500 doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, và lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Năm 2018, tổng doanh thu của CP Group Thái Lan đạt 17,34 tỉ USD thì 15% trong đó đến từ Việt Nam với 2,62 tỉ USD, cao thứ 3 trong tất cả thị trường doanh nghiệp này hoạt động (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Theo công bố từ lãnh đạo tập đoàn, CP Group Việt Nam hiện nắm 32% thị phần mặt hàng thịt gà và 20% đối với mặt hàng xúc xích tại Việt Nam. Tham vọng của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ gia tăng thị phần chế biến thực phẩm trong nước lên khoảng 40%.