Làng Đại Hoàng (được biết đến với tên “làng Vũ Đại” trong tác phẩm văn học kinh điển của nhà văn Nam Cao) ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nổi tiếng với đặc sản chuối ngự "tiến vua".
Nếu như món cá kho là đặc sản cổ truyền do người dân làng Đại Hoàng tạo ra thì chuối ngự lại là đặc sản "tiến vua" được thiên nhiên nơi đây ban tặng.
Cận Tết, nhiều người "săn" chuối ngự "tiến vua" ở làng Đại Hoàng nên loại chuối này trở nên đắt giá, cháy hàng. Người dân và các thương lái cũng được mùa thu hoạch và kinh doanh loại chuối trứ danh.
Chuối Ngự Đại Hoàng đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam.
Chuối ngự Đại Hoàng là giống chuối ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (xưa là phủ Lý Nhân), từng là sản vật dùng để tiến vua nên có tên gọi là chuối ngự. Sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho khu vực các xã Hòa Hậu, Tiến Thắng.
Đây là giống chuối quý, ngon, đẹp mã, thường được nhiều người săn lùng vào mỗi dịp Tết đến xuân về bởi trên bàn thờ gia tiên vào dịp này không thể thiếu nải chuối.
Bà Trần Thị Lan, một người chuyên thu mua chuối ngự ở làng Đại Hoàng cho biết, chuối ở đây có hương vị thơm ngon, mã đẹp nên nhiều người tìm mua để đặt lên mâm ngũ quả ngày Tết hoặc mang đi biếu người thân, họ hàng...
Vào thời điểm trước Tết, chuối ngự Đại Hoàng trở thành "hàng hiếm", vì thế các thương lái phải đi thu mua ở các vùng lân cận. Để có hàng bán Tết, nhiều thương lái đã đi đặt hàng từ nhà dân từ lúc chuối ngự Đại Hoàng còn xanh, vẫn "treo" ở trên cây.
Chuối ngự Đại Hoàng là giống chuối quý, được Nhà nước bảo tồn nguồn gen.
Chuối ngự Đại Hoàng được người trồng che chắn kỹ như "báu vật" bởi ngày Tết giá của loại đặc sản này rất đắt đỏ, lên tới cả triệu đồng mỗi buồng. Chuối ngự "tiến vua" khác với những loại chuối thường, dáng quả nhỏ, chỉ to bằng hai ngón tay chụm lại. Khi chín, chuối ngự có màu vàng cam, cuống có màu xanh tươi.
Ông Trần Khắc Lâm, chủ một vườn chuối có tiếng ở làng Đại Hoàng cho biết, ở thời điểm này đi khắp làng cũng khó có thể mua thêm được chuối để bán vì thu hoạch đến đâu các thương lái đến thu mua đến đấy.
Để thu hoạch buồng chuối ngự, phải hạ cây chuối xuống thấp và cẩn thận từng chút một để tránh bị dập, gãy, anh Trần Khắc Hiền, một nông dân trồng chuối "mát tay" ở xã Hoà Hậu chia sẻ.
Giá chuối bình thường khoảng 20-30 nghìn đồng/nải, nhưng sát Tết giá tăng lên vài lần, thậm chí lên đến cả trăm nghìn đồng mỗi nải. Vì thế, một buồng chuối đẹp vào dịp Tết có giá lên đến cả triệu đồng.
Chuối ngự Đại Hoàng được giấm chín một cách tự nhiên bằng hơi ấm trong lò từ tro và trấu, không dùng hóa chất.
Chuối ở làng Đại Hoàng nổi tiếng khắp vùng không chỉ ăn thơm ngon mà cách giấm chuối cũng rất an toàn. Người dân không dùng hoá chất, mà chỉ dùng trấu và tro "sưởi ấm" cho chuối chín. Chuối khi chín vỏ mỏng, ruột vàng, ăn ngọt dịu, bà Trần Thị Lan - người chuyên kinh doanh chuối ngự Đại Hoàng cho hay.
Chuối ngự Đại Hoàng có hai loại là chuối ngự trâu và chuối ngự mít. Chuối ngự mít quả nhỏ hơn chỉ bằng 2 ngón tay út chụm lại, ăn ngon hơn, ruột chuối vàng như múi mít và khi chín vỏ lốm đốm những chấm nâu hồng do vậy cũng được gọi là chuối ngự tía.
Đặc thù của chuối Ngự là quả nhỏ, đẹp, vỏ mỏng, khi chín vàng thẫm. Chuối ngọt đậm và thơm. Đặc biệt chuối ngự không bao giờ bị nẫu. Chuối chín rất ngon để hàng tuần vẫn ngọt, vẫn thơm. Chuối ngự Đại Hoàng không có lõi, ruột dẻo, thơm ngon.
Vào dịp Tết cổ truyền, trên mâm ngũ quả thờ gia tiên không thể thiếu nải chuối. Vì thế, chuối ngự Đại Hoàng càng trở nên đắt giá.
Theo kinh nghiệm của người địa phương, trồng chuối thời tiết phải thuận thì cây chuối ngự phát triển tốt, mưa nắng phải thuận hòa, nếu mưa nhiều, nắng nhiều thì chuối bị ảnh hưởng. Chuối ngự thân cao, yếu, giòn, dễ gãy đổ nên khi chuối trổ buồng cần có cột chống.
Ông Trần Đức Huy, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu cho hay, chính quyền địa phương quản lý chuối ngự Đại Hoàng thông qua hiệp hội chuối của làng. Chuối ngự Đại Hoàng có tem, nhãn, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Đức Huy - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Loại chuối này rất kén đất, phù hợp với dải đất ven sông Châu Giang chảy qua địa phận một số xã của huyện Lý Nhân bởi khu vực này là đất pha cát. Chất lượng đất thì không có một nơi nào ở Việt Nam mà có được vi lượng chất đất tốt tốt như ở Đại Hoàng. Ở đây thổ nhưỡng, khí hậu, gió mùa rất tốt, phù hợp cho cây chuối phát triển, ông Huy lưu ý.
Theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hậu, làng Đại Hoàng có truyền thống trồng cây ăn quả, và hiện có trên 300ha chuối ngự, giá trị đạt trên 100 triệu đồng mỗi ha.
Chuối ngự Đại Hoàng đã lọt vào top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam. Vì có màu sắc và hình dáng rất đẹp, chất lượng cao nên loại chuối ngự trứ danh này được nhiều khách "săn" về ăn và dùng làm quà biếu, đặc biệt trong mỗi dịp Tết, lễ.
Cái tên chuối ngự hay chuối "tiến vua" là do loại chuối này từng được đưa vào cung dâng tiến Vua (đời nhà Trần thế kỷ XIII). Chuyện kể rằng vào thời Trần, hàng năm vua Trần cùng đoàn tùy tùng, xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay) về hành cung Thiên Trường (tức Phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định ngày nay) yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần trên đường đi đến ngã 3 Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại, dân các làng đổ ra mừng đón, ai cũng mang của ngon, vật lạ dâng tiến Vua. Có một đôi vợ chồng nông dân nghèo ở làng Đại hoàng vì không có vật gì dâng tiến Vua nên rất lấy làm buồn. Trong vườn nhà còn một buồng chuối họ bèn chặt hạ dâng Vua với niềm cung kính mong được nhà vua cảm thông. Nhà vua ăn thấy rất thơm ngon bèn ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để khắp nơi được cùng thưởng thức. Từ đó, loại chuối ở làng Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự, lưu truyền cho đến ngày nay. |