Hơn 31% lực lượng lao động tham gia BHXH
Chiều 8-11, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị giao ban cơ quan tháng 11-2021 đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ đến hết tháng 10-2021, xác định phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm. Báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 10-2021, cả nước đã có trên 15,46 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,08% lực lượng lao động), trong đó số tham gia BHXH bắt buộc là hơn 14,2 triệu người, tham gia BHXH tự nguyện hơn 1,2 triệu người. Số tham gia BH thất nghiệp là hơn 12,5 triệu người (đạt 25,18% LLLĐ); và gần 84 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ 86,04% dân số). Tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đạt 76,75% kế hoạch Chính phủ giao, đạt 73,60% kế hoạch mà ngành BHXH Việt Nam đã đặt ra. Dù vậy, vấn đề đáng lưu tâm là tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng gia tăng, với con số 24.330 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 5,74% so với số phải thu (so với cùng kỳ năm 2020, số tiền nợ tăng 2.824 tỉ đồng, tỉ lệ nợ so với số phải thu tăng 0,7%).
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo Hội nghị
BHXH Việt Nam đánh giá, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT có sự tăng trưởng so với tháng 9-2021 nhưng tốc độ tăng còn chậm. Ước tính từ nay đến cuối năm 2021 số người tham gia còn phải phát triển để đạt kế hoạch đề ra là rất lớn (BHXH còn trên 2 triệu người, BHYT còn trên 5,5 triệu người). Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn khi chúng ta chỉ còn 2 tháng nữa để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, so với hết năm 2020, số người tham gia BHXH đến hết tháng 10-2021 đã giảm 747.005 người, số tham gia BHYT giảm 3.543.716 người. Bên cạnh đó, số người nhận BHXH một lần mặc dù đã giảm 252 người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng số lũy kế 10 tháng năm 2021 vẫn lên tới 844.636 người.
Trong thời gian qua, BHXH các tỉnh, thành phố đã tập trung vào một số giải pháp có hiệu quả tốt phát triển đối tượng như nắm bắt tình hình hoạt động DN trên địa bàn để thông tin đến NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt HĐLĐ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia BHXH, BHYT; tích cực rà soát dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để phát triển người tham gia; tăng cường các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành; thanh tra chuyên ngành đột xuất các đơn vị nợ đọng, không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm; phối hợp, đôn đốc cơ quan tài chính chuyển tiền đóng, hỗ trợ đóng; tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương tiếp tục trích tiền ngân sách mua thẻ BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai các giải pháp phát triển BHYT HSSV; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...
Khẳng định vai trò bảo vệ quyền lợi NLĐ
Nhận diện những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong 2 tháng còn lại là tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ giải pháp thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao ở mức cao nhất.
Tổng Giám đốc cũng chỉ ra rằng, dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, tình hình hiện tại cũng đã có nhiều tín hiệu tích cực trong tháng 10-2021, khi Chính phủ đã ban hành quyết sách mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, nhiều DN hoạt động trở lại, kéo theo số lao động trở lại thị trường đã tăng lên con số trên 1 triệu người. Đây là cơ sở để ngành BHXH nỗ lực bám sát, tăng trở lại số đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đạt mục tiêu đặt ra trong năm.
Trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam cũng đã nỗ lực mở rộng số người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt quan tâm việc tăng độ bao phủ chính sách an sinh đến những nhóm người khó khăn. BHXH Việt Nam cũng phối hợp, thống nhất với Bộ Y tế về thanh toán thuốc BHYT vượt hạng bệnh viện tại các bệnh viện tuyến cơ sở; giải quyết các vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT đối với cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, trạm y tế lưu động. Chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở y tế tổ chức thực hiện việc KCB BHYT sau giai đoạn giãn cách xã hội, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người tham gia. Ngay trong tháng 10-2021, khi dịch bệnh được khống chế tại một số địa phương, số lượt KCB BHYT đã tăng lên nhiều hơn 8,8 triệu lượt, số chi 6.688 tỉ đồng. Trong 10 tháng năm 2021, cả nước có tổng số lượt KCB BHYT là trên 108 triệu lượt, tổng số chi là 73.199 tỉ đồng…
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, tháng 11-2021 sẽ còn không ít khó khăn trong bức tranh kinh tế- xã hội chung, tuy nhiên tinh thần của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" cũng áp dụng vào các hoạt động của ngành BHXH Việt Nam, xây dựng giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ tương ứng với từng cấp độ dịch.
Với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển đối tượng, giảm nợ, ông Mạnh yêu cầu trong 2 tháng cuối năm, toàn ngành "dồn lực" triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong những tháng cuối năm. Tiếp tục giao chỉ tiêu phát triển đến từng cán bộ, đại lý thu. Xử lý nghiêm vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4 (bảo đảm 100% DVC của ngành được thực hiện ở mức độ 4); tích hợp, cung cấp thêm các DVC của ngành trên Cổng DVC Quốc gia, đặc biệt là các DVC liên quan đến chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19… Đặc biệt, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2022.