Từ xưa đến nay, hình ảnh hũ vàng trong phong thủy thường có ý nghĩa giàu có, đem vận may về tài lộc. Vì thế, bên cạnh việc đổ xô đi mua vàng các loại, 2 năm trở lại đây, người dân còn chuẩn bị những mâm cỗ cúng dâng lên ban thờ Thần Tài với những loại bánh hình hũ vàng, thỏi vàng cầu kỳ, lấp lánh.
Những ngày sau Tết Nguyên đán, đi qua những tiệm bánh ngọt, dễ dàng thấy thay cho những chiếc bánh sinh nhật màu sắc rực rỡ, chủ hàng bày ra hàng loạt bánh hình túi vàng, hũ vàng đủ kích cỡ, trên bánh ghi chữ “Tài, Lộc”. Trên facebook, những topic rao bán bánh cúng Thần Tài luôn trong tình trạng quá tải bình luận. Nhiều chủ hàng phải khóa cả phần bình luận để khách khỏi đặt hàng.
Vừa bật lò nướng cái “tách”, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, một thợ bánh handmade ở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) khoe chỉ sau nửa tiếng đăng bài lên facebook, chị đã nhận được gần 20 đơn đặt bánh kem hình hũ vàng vào ngày mùng 10 tới. Chị đang tranh thủ nướng trước cốt bánh để kịp trả khách trong 2 ngày tới.
“Làm bánh kem hình hũ vàng không quá cầu kỳ, quan trọng là lớp kem phải chà láng mịn màng để khi phun nhũ lên được đều, đẹp, bóng mượt”. Chị cho biết, do không có thợ phụ nên chị chỉ dám nhận lời làm tối đa 15 chiếc bánh, đường kính 18 cm với giá 450.000 đồng/chiếc.
Tương tự, chị Hoàng Thị Đan ở Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay dù cửa hàng sử dụng lò nướng công nghiệp, lại thuê thêm 2 người phụ giúp nhưng vì nhu cầu khách thì nhiều mà đơn bánh chỉ trả trong 1-2 ngày, chị đành ngậm ngùi chốt số lượng 60 bánh là “đóng lò nghỉ ngơi”.
“Có công ty đặt 10 chiếc rồi, giờ lại đòi thêm 9 bánh để tặng đối tác thân thiết. Tôi cũng muốn nhận lắm nhưng như thế thì thức trắng đêm cũng chẳng kịp, đành nói khéo với họ vậy”, chị tiếc nuối.
Không chỉ mua bánh kem hũ vàng, nhiều người còn đặt mua những hộp bánh thỏi vàng khá bắt mắt. Một hộp gồm 10 thỏi giá dao động từ 80.000-140.000 đồng. Những thỏi vàng này thực chất là những chiếc bánh nướng nhân dứa, đậu xanh, sữa dừa,... nặng khoảng 55gr. Vì có giá rẻ hơn, lại bảo quản được lâu hơn bánh kem nên loại bánh này khá đắt khách.
Bánh thỏi vàng/đĩnh vàng là lựa chọn của số đông bởi giá tiền hợp lý
Chị Phùng Tuyết Mai ở Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) tiết lộ trong 3 ngày mùng 6, 7, 8 Âm lịch, mỗi ngày chị nhận lời làm 30 hộp bánh thỏi vàng. Đến ngày mùng 9, dù khách có ra sức nài nỉ cũng phải từ chối vì làm không xuể.
“Vì là bánh nướng nên có thể bảo quản trong hộp kín 5-7 ngày. Khách thường đặt hàng từ trong Tết để tôi chốt số lượng sớm. Nếu sát ngày Thần Tài mới mua thì không thể làm kịp vì số lượng quá nhiều. Thậm chí, tôi phải thông báo tạm khóa facebook để tránh khách không đặt được bánh lại quay sang trách", chị nói.
Bên cạnh những loại bánh phải đặt trước, trên mạng xã hội, nhiều shop online còn có sẵn loại bánh bao tứ quý, rau câu hũ vàng để người mua thêm nhiều lựa chọn. Dưới đây là một số hình ảnh:
Vào sát ngày Thần Tài lượng người đặt mua loại bánh này tăng đột biến
Mỗi chiếc bánh có giá 400.000-450.000 đồng tùy kích cỡ
Bánh nướng được tạo hình thỏi vàng, vỏ làm bằng bột mỳ, thường nhân ngọt như đậu xanh, đậu đỏ, dứa, sữa dừa...
Mỗi hộp bánh này có giá 150.000-200.000 đồng. Nhiều chủ tiệm bánh phải từ chối bớt khách vì quá tải
Ngoài bánh kem, bánh nướng, nhiều người còn làm đồng tiền, hũ vàng bằng rau câu nhân đậu xanh
Bánh bao chay tứ quý dát vàng, set 4 chiếc có giá 140.000-160.000 đồng/chiếc, để trong hộp kín bày được 2 tháng
Mặc dù là bánh bao chay nhưng người bán khuyên chỉ nên dùng để bày ban thờ, không nên ăn